Bầy heo nái 55 con của hộ ông Trần Đức Định (khu phố Hải Sơn, phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) nếu không mắc bệnh dịch tả heo châu Phi thì chỉ ít tháng nữa ông có thể có thêm đàn heo giống bán cho những người chăn nuôi. Giờ phải tiêu hủy hết cả chuồng, toàn bộ tiền giống, thuốc trị giá hàng chục triệu đồng coi như mất trắng. Những chuồng trại trống trơn sau dịch bệnh, nhưng nỗi lo thì tràn đầy. Nhìn ông Định thẫn thờ khi heo bị tiêu hủy, chưa biết virus dịch tả heo châu Phi hình thù ra sao, nhưng với những người chăn nuôi thì loại virus ấy đã mang đến những áp lực rất lớn. Áp lực của nợ nần, của nỗi lo chưa biết chừng nào mới có thể khấm khá nhờ chăn nuôi heo.
Trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu số ra ngày 26/7 có bài viết: “Khóc ròng vì dịch tả heo châu Phi” nói về những người chăn nuôi heo kiệt quệ vì bệnh dịch tả heo châu Phi hoành hành trong thời gian qua. Có lẽ không có năm nào, người chăn nuôi không phải đối mặt với dịch bệnh, lúc thì lở mồm long móng, lúc bệnh heo tai xanh. Nhưng năm nay, ngoài dịch tả heo châu Phi, họ còn đối mặt với tình trạng heo ứ đọng vì người tiêu dùng “quay lưng” với thịt heo.
Sau gần 2 năm đối mặt với các trận bão giá, thậm chí chạm đáy 16.000-18.000 đồng/kg thì đến giữa năm 2018 giá heo tăng cao, người chăn nuôi chưa kịp mừng thì đến tháng 2/2019 dịch bệnh tả heo châu Phi lại bùng phát. Nhiều trang trại heo chưa kịp phục hồi thì nay lại đối mặt với tình trạng nợ chồng lên nợ. Người chăn nuôi rớt nước mắt nhìn hàng ngàn con heo bị tiêu hủy - những đồng tiền chắt bóp của họ đã đang và sẽ bị thiêu thành tro. Trên cả nước, tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130 ngàn tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi gây ra ước khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ heo tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy. Dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nhưng sắp tới đây, cũng không đủ vốn để tái đàn, hoặc không thể tái đàn khi dịch bệnh dự báo sẽ còn kéo dài dai dẳng, Bộ NN-PTNT cũng đang khuyến cáo chưa thể tái đàn dịp này. Trong khi đó đây là thời điểm tốt nhất để tái đàn phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2020. Một số chủ trang trại chăn nuôi cho biết, không chỉ đối mặt với dịch bệnh, hiện nay người tiêu dùng còn e dè với thịt heo đã khiến cho heo khỏe mạnh cũng không bán được. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì chuyện các trang trại phá sản, “treo chuồng” là điều khó tránh khỏi.
Điều đáng nói là theo diễn biến dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, hầu hết các ổ dịch đều xuất phát từ các hộ, trại chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp tới nay vẫn an toàn, bởi ngay từ khi dịch xâm nhập vào Việt Nam, họ đã chủ động thực hiện chế độ cấm trại với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đồng thời, thường xuyên phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột khu vực chuồng trại theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y. Riêng các trang trại nuôi heo gia công cho các công ty lớn thì gần như không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thậm chí về giá cả bởi họ đã có đầu ra ổn định.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đã làm tốt vai trò duy trì, phát triển tổng đàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, hạn chế đối với chăn nuôi heo nhỏ lẻ, gia trại chính là nằm chủ yếu trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, khó có khả năng kiểm soát dịch bệnh, không có vốn để đầu tư công nghệ tiên tiến.
Việc phòng chống dịch tả heo châu Phi là quá trình lâu dài không thể một sớm, một chiều, do đó việc quan trọng hiện nay là làm sao để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt heo. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi heo tập trung. Từ đó, hình thành những mô hình chăn nuôi heo khép kín theo quy hoạch vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm. Đồng thời từng bước áp dụng công nghệ cao, sạch và bảo vệ môi trường vào chăn nuôi. Có như vậy, ngành chăn nuôi heo mới phát triển bền vững.
NGÔ GIA