Người ta đang chứng kiến một cuộc chạy “marathon” của các bộ, ngành chức năng, các địa phương cũng như cộng đồng DN trong việc tìm thị trường mới cho hàng nông sản Việt Nam.
Thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, song phương và khu vực với những FTA thế hệ mới như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam - EU (EVFTA), các bộ, ngành chức năng tin rằng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vẫn luôn lưu ý các DN và bà con nông dân, muốn tham gia thị trường nông sản thế giới với nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe như FTA, không còn con đường nào khác là nông sản Việt phải bảo đảm chất lượng, mà một trong những biện pháp là thông qua chế biến. Tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh rằng nguyên tắc phát triển sản xuất phải tìm lợi thế ở các cấp độ sản phẩm. Sản phẩm phải thích ứng, đáp ứng xu hướng thị trường và trong sản xuất phải ứng dụng khoa học công nghệ. Sản phẩm có công nghệ tốt thì sẽ bán được hàng.
Để vào “sân chơi” FTA, hàng nông sản của BR-VT sẽ phải tuân thủ những điều kiện gì?
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 335 trang trại đang hoạt động, bình quân mỗi trang trại đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng/năm. Để xây dựng và quảng bá thương hiệu ngành nông nghiệp BR-VT, mỗi trang trại cần có một vài sản phẩm chủ lực, sản xuất theo quy trình VietGAP với công nghệ cao, tạo thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản…
Triển vọng là vô cùng sáng sủa (năm 2019 có khả năng đạt mục tiêu 43 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, cao hơn 3 tỷ USD so với năm 2018) nhưng cũng không ít khó khăn trong “sân chơi” FTA. Nông sản Việt Nam phong phú chủng loại, rẻ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada, Nhật Bản… vì đa phần có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đã thế, hệ thống tiếp thị, phân phối nông sản yếu kém, qua nhiều khâu trung gian làm đội giá thành khiến nhiều loại nông sản khó tìm được đầu ra. Mức chênh lệch giá ở mỗi khâu trung gian rất cao, phổ biến ở mức 10-15%. Tổn thất sau thu hoạch của các mặt hàng nông sản lên tới 20-30% do bảo quản chế biến yếu kém, lạc hậu cũng “góp phần” làm tăng giá thành.
Vào lúc này, việc tiến hành các giải pháp nhằm tiếp sức “đầu ra” cho nông sản Việt Nam là đúng lúc. Những giải pháp này không mới, đã được đưa ra từ nhiều năm trước nhưng vì thiếu sự phối hợp đồng bộ nên đến nay vẫn còn nằm trên giấy hoặc triển khai không đến nơi đến chốn. Đó là việc tham gia của các bộ, ngành chức năng trong vai trò hướng dẫn, điều tiết, giúp đỡ nông dân hình thành những vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giúp bà con xây dựng và nâng cao giá trị gia tăng từng sản phẩm, bỏ các chi phí đánh trực tiếp hoặc gián tiếp vào nông dân, thúc đẩy sự liên kết liên doanh (giữa sản xuất, chế biến, xuất khẩu) kết nối với thị trường tiêu thụ trong nước hoặc nước ngoài thông qua những trung tâm phân phối…
Một biện pháp được nhiều chuyên gia xem là quan trọng: Nông dân phải liên kết, sản xuất với nhau dưới nhiều hình thức như tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất… để có quy mô sản xuất lớn mang tính hàng hóa, từ đó mới có thể cơ giới hóa, đưa nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất và đặc biệt làm giảm giá thành đầu vào, giảm bớt các khâu trung gian. Đồng thời, nông dân cũng cần chuyển từ quan niệm “tranh thủ những lúc nông nhàn” sang “nông dân chuyên nghiệp” trong sản xuất, tập thói quen ghi chép chi phí sản xuất cho từng cây, con, tính toán giá thành sản phẩm, tính thu nhập và lãi chứ không làm theo kiểu “được chăng hay chớ” như hiện nay.
NGUYỄN HƯNG NHƠN