Mua bán người là tội ác !

Thứ Năm, 11/07/2019, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

Câu chuyện về chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi, gia đình ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) - nhân vật mà 22 năm trước bị kẻ gian lừa gạt, chuốc thuốc mê đem bán sang Trung Quốc, nay đã trở về đoàn tụ với gia đình vào ngày 4/7 vừa qua khiến cho khá nhiều người xúc động, chia sẻ và bày tỏ sự chung vui với gia đình chị Hon. Mong chị sẽ sớm hòa nhập với cuộc sống của cộng đồng xã hội Việt Nam sau 22 năm lưu lạc, bị hành hạ, ngược đãi nơi xứ lạ quê người. Trường hợp của chị Hon cũng là số phận của những người bị bọn tội phạm mua bán người dụ dỗ, đưa vào con đường đau khổ, tủi nhục, gian truân đầy nước mắt.

Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra 3 vụ mua bán người đã được các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện, phối hợp giải cứu nạn nhân và xử lý tội phạm. Đơn cử mới đây vài tháng, chị V. (18 tuổi, ngụ huyện Long Điền, tỉnh BR-VT) đã bị chính mẹ ruột là Nguyễn Thị H. (41 tuổi, trú tại huyện Long Điền) nghe theo lời ngon ngọt của Nguyễn Thị Mỹ Trang (53 tuổi, trú tại huyện Long Điền) đồng ý đánh đổi lấy vật chất để cho con mình sang Trung Quốc lấy chồng. Theo đó, ngày 14/4, chị V. lên đường xuất cảnh. Nhưng chỉ 1 tháng sau khi “bị gả” lấy người chồng Trung Quốc lớn hơn mình nhiều tuổi, chị V. thường xuyên bị chồng hành hạ, buộc làm nô lệ tình dục, bị đánh đập, bắt làm việc quần quật suốt ngày. Không chịu nổi cảnh này, chị V. lén gọi điện thoại cho mẹ nhờ Công an Việt Nam giúp đỡ, giải thoát. Nhận tin báo, ngày 14/5, các lực lượng chức năng của Công an Việt Nam phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu chị V. đưa về nước an toàn. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh BR-VT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị H. và Nguyễn Thị Mỹ Trang để điều tra, xử lý hành vi mua bán người.

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu tranh với tội phạm mua bán người. Cụ thể, Luật Phòng, chống mua bán người (số 66/2011/QH12, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012) nghiêm cấm các hành vi: Mua bán; Chuyển giao, hoặc tiếp nhận; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Gần đây, Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định xử phạt nặng tội mua bán người, tùy hành vi và trường hợp phạm tội cụ thể, sẽ bị xử phạt tù từ 5-20 năm; Phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, bị xử phạt tù từ 7-20 năm, hoặc tù chung thân.

Theo quy định tại Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Hướng tới ngày này, đây là dịp để các cơ quan chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ mua bán người; Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; Tổ chức tốt việc tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kịp thời, an toàn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của đối tượng là nạn nhân tội phạm mua bán người.

Thực tế cho thấy, hành vi mua bán người để lại hậu quả nặng nề cho hầu hết các nạn nhân. Khi trở về với cộng đồng, sức khỏe họ giảm sút do bị ép buộc lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, bị giam giữ, đánh đập, tra tấn đến mang thương tích, nhiều người còn bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác; Tinh thần hoảng loạn, không ổn định dẫn đến ức chế tâm lý, trầm cảm; Nhiều trường hợp để lại di chứng cả về sức khỏe và tinh thần suốt cuộc đời còn lại. Do đó, mua bán người là hành vi độc ác, mất nhân tính, cần phải được cộng đồng xã hội lên án, đồng lòng đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và pháp luật nghiêm trị thích đáng loại tội phạm này.

NHỰT THANH

;
.