Vừa nghỉ hè chưa được bao lâu, cô em họ tôi đã chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con, một cậu bé lên 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Ở ngay thành phố, không thiếu gì điểm giữ trẻ mùa hè, nhưng cô em họ tôi vẫn không vừa ý, bởi những nơi ấy không có chương trình dạy chữ cho bé (hay nôm na là dạy trước chương trình lớp 1).
Mấy tháng trước, khi còn chưa nghỉ hè, chiều nào đi trẻ về, hoặc chập tối, cu cậu đều lon ton ngoài ngõ, chơi cùng đám trẻ cùng lứa, tiếng nói, tiếng cười rộn ràng khắp xóm. Cu cậu còn chơi trò trượt ván ngay trước hiên nhà tôi, mồ hôi vã như tắm, nhưng gương mặt thì tươi tắn, rạng ngời…
Ấy vậy mà, khi hè vừa tới, cả xóm im ắng hẳn, chỉ vì lo cho con vào năm học không theo kịp chúng bạn, em họ tôi và nhiều bà mẹ có con đồng trang lứa khác, không chỉ tìm chỗ học cho con mà còn kèm cặp thêm khi bé ở nhà. Đương nhiên, vì phải lo học hành, các bé bị cắt hẳn “suất chơi” vào chiều tối.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD-ĐT buộc phải ra văn bản chỉ đạo về việc không cho phép dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ em dưới mọi hình thức. Bộ chỉ cho phép dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1. Bộ cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 bậc tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các địa phương chấm dứt ngay tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1; và đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT có yêu cầu này đối với các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ được tình trạng này do trào lưu của phụ huynh ngày càng có nhu cầu cho con học trước lớp 1. Sắp bước vào năm học mới, 2019-2020, tình trạng này lại tái diễn.
Quay trở lại với nỗi lo của phụ huynh, đành rằng, việc quan tâm chuyện học hành của con là không có gì sai trái. Tuy nhiên, cho con học trước lớp 1 lại là việc “cầm đèn chạy trước ô tô”, có thể “lợi bất cập hại”.
Theo một một thí nghiệm của nhóm chuyên gia ĐH Sư phạm Hà Nội, rất nên để trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ”, bởi điều đó sẽ giúp trẻ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt. Thí nghiệm được thực hiện đối với 2 nhóm trẻ chuẩn bị vào lớp 1 khi xem các bức tranh có nội dung về một câu chuyện giống nhau. Trẻ biết chữ trước đã đọc khá chính xác câu chuyện theo những dòng chữ phụ đề các bức tranh. Còn trẻ chưa biết chữ đã kể câu chuyện của riêng mình dựa trên mô tả bằng trí tưởng tượng qua các bức tranh một cách sinh động, sáng tạo. Đấy chính là sáng tạo đặc biệt của những trẻ “mù chữ”. Nhóm chuyên gia đã cho rằng, nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ đều được bảo tồn và tôn trọng bằng cách rời xa việc học chữ để con chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo tốt.
Tất nhiên rằng, không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD-ĐT có chương trình cho trẻ mầm non 5 tuổi làm quen với chữ viết, bởi việc làm quen ở lứa tuổi này sẽ giúp trẻ không quá bỡ ngỡ khi vào lớp 1, không quá “sốc” khi chuyển trạng thái từ trường mầm non lên trường tiểu học. Nhưng không đồng nghĩa với việc học trước chương trình lớp 1.
Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa về mặt truyền thông để thay đổi nhận thức của phụ huynh về việc dạy trước lớp 1. Bởi thực tế, khó khăn của con trẻ khi vào lớp 1 đến từ sự thay đổi: Môi trường (mầm non sang tiểu học), thay đổi tư duy trực quan hình ảnh sang tư duy trừu tượng (con số, phép toán ở bậc tiểu học), thay đổi quan hệ giao tiếp với cô giáo chứ không phải khó khăn ở việc đọc - viết. Do đó, phụ huynh nên chuẩn bị tâm thế và tinh thần ham học hỏi, khám phá cho con trẻ chứ không nhất thiết chuẩn bị cho con tập đọc, tập viết trước. Và các cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm và tuân thủ các quy định của Bộ chủ quản.
SƠN TRÀ