Có đi thăm khám, điều trị bệnh tại các bệnh viện (BV) lớn ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mới thấm thía hết cảnh quá tải ở đây: 2, 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường. Tình cảnh bệnh nhân nằm ghép, nằm ngoài hành lang các BV lớn dù đã cải thiện nhưng vẫn còn một số BV khó thực hiện cam kết “không nằm ghép quá 48 giờ”.
Cách đây chưa lâu, trong chuyến thị sát tại một số BV lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tỏ ra bức xúc trước cảnh người dân xếp hàng lấy số từ 5-6 giờ sáng nhưng phải đến 8-9 giờ mới được khám. “Một BV khám từ 8.000-10.000 lượt mỗi ngày là rất khó, trên thế giới không BV nào có lượng bệnh khám nhiều như thế. Bệnh nhân càng đông nghĩa là thời gian chờ của bệnh nhân càng dài” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói khi đến thị sát BV Chợ Rẫy.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi hàng chục triệu người bệnh, từ bệnh nhẹ tới bệnh nặng và thậm chí bệnh chưa đủ nặng để điều trị nội trú, cũng đều dồn lên các BV tuyến trên để điều trị. Một trong những nguyên nhân là do công tác tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường còn nhiều bất cập. Hệ quả là năng lực tuyến y tế cơ sở vẫn cứ yếu kém; Nhiều BV tuyến huyện đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn; Sự chênh lệch về thu nhập đã khiến các bác sĩ có tay nghề cao ở tuyến huyện xin nghỉ việc để chuyển ra làm tại BV tư.
Muốn giảm tình trạng quá tải của các BV, điểm mấu chốt là tập trung đầu tư, tăng thương hiệu cho tuyến dưới. Đó là mạng lưới y tế xã phường - nơi thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng nhưng bản thân nó không đủ hợp thành một tuyến chuyên môn. Thực tế hơn 3 thập niên qua cho thấy những bài học đắt giá: Nhiều vụ dịch (điển hình là sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não…) xảy ra ở một số xã gây tử vong cao mà mãi sau cấp trên mới biết. Một trong những nguyên nhân chậm trễ có thể vì ta đã xem xã, phường là cấp y tế cơ sở nên khi cấp này yếu kém hoặc cách biệt (nhất là ở vùng cao, vùng sâu) thường không có thông tin qua lại kịp thời. Sự chậm trễ trên đã không xảy ra nếu đơn vị y tế cơ sở có một chỗ dựa về chuyên môn, kỹ thuật và quản lý ở tuyến huyện mà trung tâm là BV huyện. Y tế huyện với bộ máy tương đối hoàn chỉnh, có trách nhiệm theo dõi sát sao các xã trong huyện và khi phát hiện dịch, với hệ thống Internet “phủ sóng” tận vùng sâu, vùng xa, hoàn toàn dễ dàng báo cáo lên trên (tỉnh, Trung ương) để can thiệp kịp thời.
Một số chuyên khoa, BV tuyến Trung ương hiện vẫn tiếp tục ở trong tình trạng quá tải chính là vì hệ thống y tế hình tháp bị phá vỡ, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới còn hạn chế, thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh - kể cả khám chữa bệnh BHYT vẫn còn phiền hà, chưa được người dân tin tưởng. Cũng vì vậy, các viện và BV Trung ương không bảo đảm được chất lượng cao đích thực của tuyến chuyên môn cuối cùng, cũng như rất ít tập trung vào việc nghiên cứu các vấn đề quan trọng tạo bước tiến cho y học nhằm giải quyết có hiệu quả các loại bệnh tật của người dân. Đây cũng là nguyên nhân gây sử dụng lãng phí các trang thiết bị công nghệ cao đắt tiền.
Hai năm trở lại đây, Bộ Y tế đã triển khai nhiều đề án, chương trình và giải pháp để chống quá tải BV như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm; Mặt khác chuyển giao kỹ thuật, đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới để hỗ trợ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hẹp khoảng cách chuyên môn giữa các tuyến.
Ngành y tế cũng đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện các BV vệ tinh và tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, nhờ đó tình trạng quá tải đã giảm nhiều, người dân hài lòng khi đến và ra viện. Đây là một hướng đi đúng và thời gian tới, nếu hệ thống y tế tuyến dưới tiếp tục được đầu tư nhân lực và trang thiết bị hiện đại, đặc biệt có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho các y, bác sĩ để họ yên tâm làm việc, thi thố tay nghề thì việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở tuyến huyện và xã không còn là bài toán khó.