Gần đây, báo chí nói nhiều về chuyện “thầy” học làm… thợ. Đó là những người đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ nhưng đi xin việc không nơi nào nhận nên phải “làm lại từ đầu” bằng việc học nghề để nuôi thân.
Chưa có thống kê chính thức nhưng nhiều chuyên gia lao động tin rằng trên thực tế số “thầy” học làm thợ không phải là ít, đó là chưa kể đến số “thầy” không có điều kiện đi học lại, phải bán vé số, chạy xe ôm, phục vụ bàn, làm bảo vệ để mưu sinh.
Hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam năm 2018 đã cho biết như trên.
Dẫn số liệu của nhiều nước trên thế giới, ngành giáo dục nói 200 ngàn cử nhân thất nghiệp là hiện tượng bình thường của mọi nền kinh tế (tỉ lệ cử nhân thất nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm 4%, thấp hơn tỷ lệ 7% của thế giới). Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều đại biểu cho rằng nhiều cử nhân thất nghiệp là sự lãng phí nguồn lực. Các đại biểu QH đề nghị ngành giáo dục phải phân luồng học sinh ngay sau bậc học THCS, một bộ phận học sinh sẽ tiếp tục để lên học đại học, một bộ phận sẽ đi học nghề. Có như vậy, mới tránh được tình trạng thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay.
Trở lại với chuyện nhiều “thầy” đổ xô đi học làm… thợ, tiến sĩ Phạm Thị Ly, Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng nhiều cử nhân buộc phải quay trở lại trường nghề là hệ quả của việc đổ xô đi học đại học mà học lại không có chất lượng; Công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên còn nhiều hạn chế, tâm lý thích bằng cấp, thích học đại học hơn học nghề còn phổ biến; Mặt khác công tác dự báo nhu cầu nhân lực chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp.
Nguyên tắc của một xã hội cân bằng là phải có cả thầy lẫn thợ. Từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chuyên gia lao động cho rằng tỷ lệ thầy và thợ 3/10 là “đẹp”. Nghĩa là cứ 13 người lao động thì có khoảng 10 công nhân lành nghề, 3 người còn lại có cả cử nhân và trung cấp kỹ thuật. Đó là tỷ lệ bình quân của lao động xã hội, còn tuỳ theo ngành nghề cụ thể mà gia giảm hợp lý.
Thực tế của công tác đào tạo nhân lực ở nước ta nhiều năm qua cho thấy, có một độ lệch rất lớn lại rất nghịch giữa đào tạo cử nhân và đào tạo công nhân, giữa mặt bằng và mũi nhọn (về trình độ lao động) và điều này đã dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trầm trọng ở nước ta.
Lập nghiệp ngày nay có nhất thiết phải qua con đường học đại học? Người ta cảm nhận rõ hơn tính thiết thực và bức xúc của câu hỏi ấy khi mùa tuyển sinh đại học - cao đẳng năm nay đã đến.
Trên bình diện quốc gia, ắt hẳn Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ có giải pháp để tháo gỡ tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” bằng một chiến lược mới với việc chấn chỉnh nạn đào tạo tràn lan, không gắn với sử dụng nguồn nhân lực. Về phần mình, lãnh đạo các trường THPT, bản thân các phụ huynh cũng phải làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh. Hơn ai hết, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh giúp các em nhận thức lại, rằng đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Người nghèo có thể tiến thân bằng một con đường khác. Con đường đó là theo học ở các trường trung cấp hoặc cao đẳng nghề, phí tổn ít hơn mà sớm có được một nghề kiếm sống. Khi đã tự lập được, có tiền để vừa làm vừa học, sẽ tiếp cận cánh cửa đại học đang rộng mở dưới nhiều hình thức.
Chính sách đối với dạy nghề và người học nghề phải đủ sức thu hút, chẳng hạn có chính sách hỗ trợ, cấp học bổng, miễn giảm học phí... Các trường nghề, cơ sở dạy nghề phải được bình đẳng trong hoạt động dạy nghề và được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng. Nếu thành lập Quỹ hỗ trợ học nghề để hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề thì càng tốt.
Nếu cho học sinh thấy có thể tiếp tục học lên, phát triển tương lai, sự nghiệp của mình bằng con đường học nghề, tin chắc các em sẽ vui vẻ nhận thức lại, chấp nhận làm thợ trước, có điều kiện sẽ học làm thầy sau.
NGUYỄN TRIỆU HẢI