Tôi thường xuyên chứng kiến cảnh những chiếc xe máy quay ngược trở lại vì không chịu được cảnh kẹt xe. Thậm chí rất nhiều người chọn cách đi ngược chiều một đoạn được, hoặc đi trên vỉa hè, gây mất an toàn giao thông để qua Trung tâm đô thị Chí Linh.
Tôi cũng rất nhiều lần chứng kiến các cán bộ trật tự đô thị đi vận động, thậm chí thu tất cả phương tiện, hàng hóa… Nhưng mỗi lần đội trật tự đô thị xuống, người dân buôn bán thu gom cá tôm, rau và những thứ khác bỏ chạy. Khi đội trật tự đi thì đâu lại hoàn đấy, chợ vẫn họp như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Vài tuần trở lại đây, khi chủ đầu tư chắn ngang con đường tạm trong khu đô thị để xây dựng nhà cửa, những người bán hàng lại tràn ra, ken dày ở phía đường 2/9. Những chiếc xe ba gác chở rau củ quả lẫn hàng tôm, cá tràn ra chiếm dụng cả phần lòng đường. Tôi đã chứng kiến có rất nhiều cuộc đụng xe, cãi cọ vì phải tránh nhau giữa khoảng đường chật.
Lâu nay, vấn đề dẹp chợ tự phát gây mất mỹ quan thành phố, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của TP. Vũng Tàu. Chủ trương này được triển khai từ lâu nhưng đến nay không có hiệu quả mà ngày càng phát triển một cách rầm rộ khiến tình trạng quản lý an ninh trật tự khó bảo đảm, ùn tắc giao thông, chưa kể đe dọa đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Những chợ tự phát ở đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh như kể trên, hay chợ đường Lưu Chí Hiếu, đường Đô Lương… luôn là câu hỏi lớn đối với cơ quan chức năng từ nhiều năm nay.
Nhiều người cho rằng thành phố cần xây dựng thêm nhiều chợ mới, khang trang hiện đại để tiểu thương vào đó buôn bán. Tuy nhiên, thực tế chứng minh dù TP. Vũng Tàu có xây chợ mới, nhưng chợ tự phát vẫn cứ tồn tại, đó là chưa kể nhiều chợ tự phát mọc lên ở những khu dân cư mới, ngay cả tại các khu du lịch. Thậm chí là nhiều ý kiến đề xuất là phải có chế tài đủ mạnh, dù quy định cơ bản đầy đủ, thế nhưng trong quá trình xử lý vi phạm cũng không dễ dàng, bởi phần lớn những người buôn bán tại các điểm tự phát đa số là lao động nghèo, xử phạt và thu giữ phương tiện, hàng hóa của họ cũng là điều không dễ làm.
Chính vì vậy, để dẹp chợ tự phát, không thể chỉ dùng các biện pháp hành chính thông thường mà cần một quy trình gồm nhiều bước, trong đó có việc xây dựng, quy hoạch khu chợ mới tạo điều kiện cho người dân buôn bán. Hoặc vẫn duy trì các điểm buôn bán tự phát nhưng quy hoạch, sắp xếp lại gọn gàng, ngăn nắp và nhất là sạch sẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường như một số thành phố ở các nước đã làm. Bởi lẽ, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến cuộc sống của người dân cũng phải xem xét ở góc độ nhân văn, đó là chuẩn bị các phương án giải quyết cho người buôn bán nhỏ có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống... Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phải đồng bộ, song hành giữa quản lý và hỗ trợ.
Và tất nhiên, để xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp và văn minh, trở thành nơi đáng sống, cần có sự kết hợp đồng bộ từ Nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và chính từ người dân, dù khó cũng phải làm.
THẢO PHƯƠNG