Trong bối cảnh du lịch được xác định trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, của nhiều địa phương, vấn đề ứng xử văn minh khi tham gia du lịch và chấn chỉnh những hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch càng trở nên có vai trò quan trọng. Bởi đây là những yếu tố không chỉ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn góp phần xây dựng những hình ảnh tích cực, sáng đẹp của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Có thể nói rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng mang nội dung văn hóa sâu sắc. Do đó, văn minh du lịch chính là một trong những tiêu chí đánh giá hình ảnh, vị thế quốc gia trong xu thế hội nhập quốc tế.
Trước yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã chủ động xây dựng những quy tắc, những thông điệp ứng xử văn minh và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến tới du khách trong và ngoài nước những quy định cụ thể khi sử dụng các dịch vụ du lịch, kể cả những điều cần làm, điều không nên làm khi tham gia các tour. Nhờ đó, theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, những hành vi phản cảm của du khách khi tham gia các tour du lịch đã giảm đáng kể.
Mặc dù, những hành vi và ứng xử thiếu văn hóa có giảm, nhưng không có nghĩa là không còn. Tình trạng người bán hàng rong, nhân viên các quán ăn tại các điểm đến du lịch chèo kéo, “chặt chém”, ép giá khách du lịch hầu như ở địa phương nào cũng có. Những vấn nạn đó tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, nhất thời, nhưng đã làm xấu môi trường du lịch và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đất nước Việt Nam mến khách.
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục những yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, dẹp nạn “chặt chém”, chèo kéo, ép giá du khách; ứng xử văn minh, có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch, ngày 21/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2019 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một quy định riêng về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó đề cập đến những vấn đề, những nội dung rất cần thiết đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động du lịch, kể cả việc xử lý nghiêm hành vi nài ép, chèo kéo khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, Nghị định 45 quy định đối với mỗi hành vi, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt: Cảnh cáo, phạt tiền; hoặc tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1 đến 24 tháng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch… Cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi cá nhân là 50 triệu đồng, đối với mỗi tổ chức là 100 triệu đồng. Nếu tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch; phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của du khách.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019, Nghị định 45/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, khi được triển khai thực hiện tại các địa phương sẽ tạo dựng được môi trường du lịch văn minh và có trách nhiệm hơn. Với những quy định cụ thể, rõ ràng trong việc xử phạt những hành vi vi phạm trong các hoạt động kinh doanh du lịch là cơ sở quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; chấn chỉnh và kịp thời xử lý dứt điểm những vấn nạn “chặt chém”, chèo kéo và ép giá du khách.
HOÀNG LÊ