Những ngày cuối tháng 6/2019, dư luận hết sức ngỡ ngàng trước thông tin Công ty CP Điện tử Asanzo - một thương hiệu được dán nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, loa, máy lạnh, tivi… dán nhãn “Made in Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xác minh thông tin mà báo chí phản ánh báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7.
Còn hơn 10 ngày nữa để cơ quan chức năng đưa ra những kết luận cụ thể về vấn đề này, nhưng với những bằng chứng mà báo chí thu thập được, cộng với việc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đối với Asanzo phần nào đã nói lên bản chất của sự việc.
Những năm gần đây, đã xảy ra không ít những vụ việc làm hoen ố hình ảnh DN, doanh nhân - lực lượng mà xã hội rất mực tôn vinh. Đó là việc Khải Silk lấy hàng “Made in China” hô biến thành khăn mang thương hiệu Việt để đánh lừa người tiêu dùng trong gần 30 năm, là vụ chuỗi siêu thị Con Cưng vi phạm nhãn mác, xuất xứ trên các sản phẩm quần áo trẻ em; Đó còn là vụ “đại gia” Trịnh Sướng sản xuất, buôn bán xăng giả với quy mô lớn… Hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh của những DN có liên quan đã khiến cho dư luận xã hội phẫn nộ, lên án, đòi hỏi phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Đạo đức kinh doanh là một nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển DN. Đạo đức kinh doanh không cho phép DN sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại cho sức khỏe con người, quảng cáo sai sự thật, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa. Đạo đức kinh doanh đòi hỏi DN làm giàu trên cơ sở tận tâm phục vụ khách hàng, thông qua việc tôn trọng quyền, lợi ích của khách hàng, giữ uy tín với khách hàng. DN phải thông tin chính xác, trung thực hàng hóa, dịch vụ, phải hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng, vận hành sản phẩm, hàng hóa, phải cảnh báo cho người tiêu dùng đối với hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, tác hại đến sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến môi trường. DN bảo đảm chất lượng phải được cân, đong, đo, đếm chính xác, phải thực hiện bảo hành và sẵn sàng bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do chính hàng hóa của mình gây ra. Đạo đức kinh doanh cũng đòi hỏi các DN quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, các vấn đề xã hội - nhân đạo. Sự phát triển bền vững của DN gắn liền với việc thực hành đạo đức kinh doanh, sự ủng hộ, tiếp sức của người tiêu dùng, xa hơn là của cả xã hội, cộng đồng. Và như vậy, muốn “vị lợi” trước hết DN phải biết “vị nhân”. Đáng tiếc, vì lợi nhuận, không ít DN đã bất chấp đạo đức kinh doanh, từ thương hiệu đình đám trở thành “tội đồ” đối với người tiêu dùng. Những hành động lừa dối trong sản xuất kinh doanh của họ đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Và một khi người tiêu dùng không còn tin vào đạo đức của DN, họ buộc phải thể hiện quyền lực của mình bằng cách tẩy chay các sản phẩm gian dối, một sự trừng phạt mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng phải khiếp sợ.
Nếu coi kinh doanh là một thứ “đạo” thì người kinh doanh phải là một tín đồ trung thành tuyệt đối và phải tìm được sự thanh thản trong “đạo” của mình. Với ý nghĩa đó, tất cả hoạt động của DN đều phải minh bạch trên tinh thần bảo đảm uy tín thương hiệu, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Trong một lần làm việc với Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có lưu ý, văn hóa DN là yếu tố tạo nên linh hồn của thương hiệu và thể hiện sự khác biệt về giá trị của DN. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của DN mà còn là tài sản của quốc gia, vì vậy cộng đồng DN phải được xây dựng văn hóa DN dựa trên triết lý, chiến lược kinh doanh với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn uy tín, đạo đức kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.
Đó là một khuyến cáo hữu ích khi mà hiện nay vì lợi nhuận, không ít DN đã bất chấp tất cả, quên hoặc bỏ qua triết lý thâm thúy của người xưa “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”.
NGUYỄN HƯNG NHƠN