Hôm nay 14/6 là “Ngày thế giới dành cho người hiến máu”. Đây cũng là ngày được Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới chọn để tưởng nhớ Giáo sư Karl Lendsteiner (người Áo, sinh ngày 14/6/1868) người đã phát minh ra nhóm máu ABO năm 1900 (đạt giải Nobel y học), mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới.
Theo các chuyên gia y tế, huyết học, máu là một loại “thuốc đặc biệt” mà không có bất kỳ chế phẩm nào thay thế được. Máu cần cho nhiều chuyên khoa, cả cho điều trị hàng ngày cũng như cho cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, nội khoa… máu cũng rất cần để sẵn sàng dự trữ cho khắc phục thảm họa, an ninh, quốc phòng. Nhưng lâu nay, khó khăn lớn nhất đối với ngành y tế trong việc truyền máu đó là thiếu nguồn người hiến máu thường xuyên và an toàn truyền máu chưa được bảo đảm (do tỷ lệ bệnh nhiễm virus nguy hiểm lây truyền qua đường máu còn rất cao). Do vậy, mục tiêu chung đặt ra là toàn bộ lượng máu thu được phải từ những người hiến máu tình nguyện (HMTN). Đây là những người tình nguyện hiến máu mà không có bất kỳ đòi hỏi nào từ phía người nhận máu, không nhận tiền hoặc bất cứ hình thức quà tặng nào quy đổi ra tiền, hiến máu không vụ lợi, không có sức ép và sẵn sàng cộng tác với các trung tâm truyền máu để bảo đảm an toàn cho người nhận máu. Chỉ có người HMTN mới có được những đơn vị máu có chất lượng, an toàn phục vụ cho công tác điều trị người bệnh.
Sau 25 năm phát động phong trào HMTN (1994-2019), số đơn vị máu thu được trên phạm vi cả nước tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, cả nước đã tiếp nhận được 1.576.933 đơn vị máu (quy đổi về thể tích 250ml), trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người HMTN, tương đương 1,68% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đối với một quốc gia, mỗi năm cần tối thiểu khoảng 2% dân số tham gia hiến máu. Như vậy, máu cho điều trị ở Việt Nam vẫn còn thiếu (chỉ đạt 1,68% dân số) ở nhiều địa phương, thiếu ở nhiều thời điểm trong năm.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trong nhiều năm qua, công tác vận động HMTN của tỉnh được tổ chức khá tốt, luôn hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 18.117/15.000 đơn vị máu, đạt 121% kế hoạch năm; riêng 6 tháng đầu năm nay, đã tiếp nhận được 9.274/16.500 đơn vị máu, đạt 56% so với chỉ tiêu của năm 2019. Phong trào HMTN của tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân, hộ gia đình tích cực hưởng ứng hiến máu nhiều lần. Điển hình như, bà Lê Thị Ngoan (SN 1976, ở TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) đã có 23 năm tham gia HMTN và đã hiến máu được 54 lần. Không chỉ bản thân bà Ngoan tham gia hiến máu thường xuyên, mà còn vận động những người thân trong gia đình cùng tham gia HMTN. Hàng năm, những người trong gia đình bà Ngoan tham gia hiến máu từ 2-4 lần, tính từ năm 1999 đến nay, gia đình bà đã hiến được hơn 147 đơn vị máu. Bà Ngoan được xét chọn là đại biểu đi dự hội nghị tôn vinh trong số 100 người HMTN tiêu biểu năm 2019 của cả nước tổ chức tại Hà Nội.
Nhân “Ngày thế giới dành cho người hiến máu” năm nay, nhiều địa phương trong cả nước tổ chức các hoạt động hội thảo, diễn đàn, tổng kết… nhưng không phải chỉ để vận động được nhiều người hiến máu, mà các sự kiện này còn thể hiện sự tôn vinh của cộng đồng trước nghĩa cử cao đẹp của những người HMTN. Bởi, tuy họ là những người bình thường, nhưng đối với người bệnh cần truyền máu để phục vụ cho thực hiện các thủ thuật y tế duy trì mạng sống, thì những người HMTN là những “Anh hùng”. Dịp này, hãy dành cho những người HMTN sự trân quý, tình cảm tốt đẹp nhất vì sự sống, vì hạnh phúc con người.
NHỰT THANH