Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục-đào tạo

Thứ Năm, 06/06/2019, 16:41 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 4/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của nghị quyết nhằm tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Phát triển sự nghiệp giáo dục luôn là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, là điều kiện phát huy nguồn nhân lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), ngày 4/11/2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế xác định rõ: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhờ đó, trong những năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể theo chiều hướng tích cực., trong đó phải kể đến sức mạnh của công nghệ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của giáo dục và thúc đẩy phát triển tiềm năng của con người. Nhiều mô hình giáo dục hiện đại của thế giới được áp dụng vào Việt Nam, nhằm chuyển đổi dần các phương pháp dạy và học, tối ưu hóa hiệu quả trong giáo dục đào tạo, truyền cảm hứng và khám phá tố chất của người học. 

Cùng với hệ thống giáo dục công lập, hệ thống trường lớp ngoài công lập cũng được quan tâm đầu tư của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đến nay, ở các tỉnh thành trong cả nước đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.966 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước). Sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Tổng nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục ngoài công lập còn thấp so với tiềm năng; việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập tiến triển chậm; các nguồn lực của xã hội huy động chủ yếu từ các cá nhân, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ trí thức Việt kiều…       

Với việc ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025. Để thực hiện đạt mục tiêu này, các cấp, các ngành, địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; rà soát hệ thống các văn bản, chính sách về xã hội hóa trong lĩnh vực giáp dục - đào tạo; rà soát các điều kiện đầu tư, các chính sách thuế, chính sách đất đai trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút mọi nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

MINH QUANG 

 

;
.