Ai đó nói phần lớn dân nhậu nước ta thích nhậu nhẹt và hát hò có lẽ không sai. Khi đã nhậu sương sương, nhiều người có nhu cầu hát và karaoke là một trong những phương tiện được chọn góp phần làm cho cuộc nhậu thêm vui (?!). Dàn karaoke di động được đưa ra. “Đắp mộ cuộc tình” là một trong những bài hát “tủ” được nhiều dân nhậu chọn hát. Có ai ngờ tựa của bài hát lại “có huông” đến vậy. Đã có không ít trường hợp “đắp mộ” thật vì cãi vã, xô xát, đánh nhau dẫn đến án mạng đau lòng chung quanh chuyện hát karaoke bằng loa công suất lớn, gây ức chế cho người khác. Lại có những cái chết lãng nhách chỉ vì các “ca sĩ” tranh nhau cái micro hoặc chọn bài hát trùng nhau.
Án mạng xảy ra quá dễ dàng khiến người ta phải rút ra một ứng xử tiêu cực: không nên góp ý với những người hát karaoke như tra tấn người khác khi họ đã có… hơi men. Nhắc nhở họ chỉ có rước hoạ vào thân (!).
Dù dư luận, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần báo động nhưng người dân ở nhiều địa phương vẫn phải chịu trận với nạn “karaoke khủng bố”; tình làng nghĩa xóm, quan hệ cộng đồng vốn dĩ thân thiết bị rạn nứt vì tình trạng hát karaoke ầm ĩ bất kể giờ giấc. Vậy nên, dù là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vấn nạn “karaoke khủng bố” vẫn cần được tiếp tục báo động, đưa vào sự kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý.
Bức xúc vì thường xuyên bị tra tấn bởi âm thanh chát chúa của dàn karaoke “khủng”, nhiều người đã làm đơn gửi chính quyền địa phương và công an phường nhờ can thiệp. Việc xử lý xem ra còn lúng túng. Nơi nhiệt tình thì cử cán bộ xuống tận nơi nhắc nhở nhưng sau khi nhắc nhở thì đâu lại vào đó; Nơi thì trả lời việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn từ karaoke rất khó vì theo quy định, phải thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành thu thập chứng cứ, dựa trên kết quả đo độ ồn ở hiện trường và thời gian tổ chức hát karaoke mới có thể tiến hành các thủ tục xử phạt…
Hát karaoke sẽ là thú vui giải trí lành mạnh nếu nó diễn ra trong mỗi gia đình, quán nhậu, nhà hàng với liều lượng âm thanh vừa phải, thời gian sử dụng hợp lý. Nhưng nếu hát hò mà “một nhóm người vui, nhiều người không khỏe” thì dứt khoát phải điều chỉnh, đưa vào khuôn khổ, trả nó về đúng chức năng giải trí lành mạnh ban đầu. Bất cứ người dân nào giờ đây cũng hiểu và nhận thức được tiếng ồn với cường độ âm thanh lớn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Không thể để xảy ra án mạng vì “karaoke khủng bố” thêm nữa! Người dân mong chờ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có chế tài điều chỉnh kịp thời vấn nạn này. Hiện vẫn còn không ít địa phương còn lấn cấn trong việc xử lý, xem “karaoke khủng bố” đơn thuần chỉ là tiếng ồn, chưa đặt nặng vấn đề đó thuộc về văn hóa ứng xử, là thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, là an ninh trật tự địa bàn. Do vậy, chỉ quan tâm vào việc đo độ ồn, lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vừa mất thời gian mà lại không phù hợp với bản chất sự việc. Từ đây lại nảy sinh đòi hỏi phải có máy đo tiếng ồn mà địa phương thì lại không có máy, phải nhờ đơn vị quan trắc thực hiện (?!).
Việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke là không khó. Pháp luật đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn nói chung và tiếng ồn từ karaoke nói riêng. Vấn đề là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có quyết tâm giải quyết hay không.
Tiếng ồn karaoke phải được xem là vấn đề “nóng” của cuộc sống, từ đó quyết liệt vào cuộc với trách nhiệm cao nhất và bằng nhiều giải pháp đồng bộ: Ban hành quy định thời gian không được gây tiếng ồn, nhắc nhở cộng đồng dân cư hát hò có chừng mực, giới hạn; sẽ xử phạt, tịch thu phương tiện, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần.
Ý kiến đề xuất “Nên đưa vấn đề tiếng ồn karaoke vào hương ước” của tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng là một giải pháp đáng tham khảo, thực hiện. Người dân có thể nêu vấn đề gây ô nhiễm tiếng ồn này ra trong các cuộc họp thôn xóm hoặc tổ dân phố và yêu cầu, kêu gọi mọi người cùng nhau thống nhất quy tắc ứng xử để không làm phiền hoặc xích mích, mâu thuẫn, sứt mẻ tình làng nghĩa xóm.
HẢI LĂNG