Thay đổi thói quen được không?

Thứ Hai, 03/06/2019, 19:02 [GMT+7]
In bài này
.

Bà xã tôi đi cửa hiệu tạp hóa về, lấy ra cuộn bao đựng rác tự hủy rồi nhắc tôi từ nay nhớ dùng xấp bao này thay cho túi ni-lông thường ngày, đỡ gây hại cho môi trường. Cô ấy bảo, cơ quan mới phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, nên phải tích cực hưởng ứng. Ít hôm sau, bà xã tôi lại đặt mua 4 chiếc bình thủy tinh đựng nước cho cả nhà mang theo đi làm, đi học. Cô ấy hồ hởi: “Đầu tư một lần, dùng được nhiều lần, đỡ tốn tiền mua nước đóng chai mà còn góp phần bảo vệ môi trường”. Từ đó, khi đi chợ, bà xã tôi đều mang theo chiếc giỏ nhựa đựng thực phẩm, để hạn chế dùng túi ni-lông.

Câu chuyện của gia đình tôi nghe chừng cũng đang là xu hướng của nhiều gia đình khác trước vấn nạn túi ni-lông đang trở thành nguồn rác thải nguy hại cho môi trường. Cũng phải công nhận rằng do ưu điểm tiện dụng và giá thành thấp, túi ni-lông và các sản phẩm đồ nhựa đã trở thành những vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt thường ngày, có mặt ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn của toàn cầu. Nếu không sớm hạn chế sử dụng loại vật liệu này, chỉ vài chục năm tới, trái đất sẽ ngập tràn trong rác thải nhựa. “Chống rác thải nhựa” cũng là chủ đề được các nước trên thế giới, Bộ TN-MT và các địa phương lựa chọn trong những đợt phát động chiến dịch bảo vệ môi trường những năm gần đây. 

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND TP. Vũng Tàu phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vừa ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường với chủ đề “Giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa” nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6), Ngày Đại dương thế giới (8-6) và Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam. Trước đó, Văn phòng Tỉnh ủy là cơ quan tiên phong trong việc sử dụng bình đựng nước dùng nhiều lần thay cho chai nước dùng một lần tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… UBND tỉnh cũng vừa ban hành quyết định triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”. Phong trào “Chống rác thải nhựa” được thực hiện trên toàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.  

Điều đáng mừng là không chỉ cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức mà trong cộng đồng cũng ngày càng có nhiều người nêu cao ý thức bảo vệ môi trường. Họ tổ chức các buổi dã ngoại kết hợp thu gom rác thải; dùng ly, bình đựng nước, ống hút bằng các vật liệu thân thiện môi trường như giấy, gạo, inox… thay cho đồ nhựa dùng một lần. 

Không thể phủ nhận sự tiện dụng của túi ni-lông và các loại vật dụng được làm bằng nhựa. Nhưng, tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường là rất lớn, bởi chỉ một tỷ lệ nhỏ được tái chế, phần lớn còn lại được thải ra môi trường, chôn vùi trong lòng đất và đại dương. Trong khi đó, thời gian để rác thải nhựa phân hủy kéo dài nhiều thế kỷ! 

Đã đến lúc mỗi chúng ta cần thay đổi thói quen dùng túi ni-lông và đồ nhựa, thay thế bằng những vật liệu thân thiện với môi trường. Việc thay đổi một thói quen không phải dễ và không thể diễn ra trong sớm chiều. Nó đòi hỏi cả một quá trình dài, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức đến thay đổi ý thức của mỗi cá nhân, nhất là ở giới trẻ, ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, “Chống rác thải nhựa” không chỉ là hành động hưởng ứng một phong trào, một cuộc vận động. Hành động này cần được làm thường xuyên mỗi ngày, sâu trong ý thức của mỗi cá nhân. Đừng ai suy nghĩ rằng, chỉ mình xả rác thải nhựa sẽ không ảnh hưởng gì tới môi trường hay chỉ mình chống rác thải nhựa cũng không thay đổi được gì. 

Mỗi người góp một tay, thế giới sẽ sạch hơn! Thay đổi một thói quen không dễ, nhưng không phải là không làm được!

 NGUYỄN ĐỨC
;
.