Sau những tranh luận, cân nhắc, ngày 14/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Điểm đáng lưu ý trong luật này là quy định “nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Điều đó có nghĩa là, khi luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe.
Quyết định thông qua luật này của Quốc hội đã nhận được sự đồng tình của dư luận, vì đáp ứng mong mỏi của đại đa số nhân dân trước bối cảnh rượu, bia là một trong những tác nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông ở nước ta, trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Do đó, dư luận kỳ vọng khi có hiệu lực, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có tính thuyết phục cao, dễ đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, để mọi người chấp hành nghiêm luật này đòi hỏi quá trình lâu dài. Ngược dòng thời gian 12 năm về trước, khi Chính phủ ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe máy, một số người cho rằng không cần thiết phải đội mũ bảo hiểm vì gây vướng víu, bất tiện; cũng có một số người cố tình không chấp hành trong thời gian đầu. Nhiều cơ sở sản xuất còn tranh thủ nghiên cứu cho ra những chiếc mũ bảo hiểm thời trang để khách mua về đội nhằm đối phó, trong khi chất lượng không bảo đảm. Nhưng rồi, theo thời gian, quy định đó đã đi vào cuộc sống, trở thành một thói quen và được mọi người dân chấp hành nghiêm.
Uống rượu, bia là một thói quen trong đời sống ẩm thực của người Việt. Sau giờ làm việc, nhiều người thích rủ bạn bè, đồng nghiệp, đối tác ra quán lai rai vài chai bia, ly rượu. Các bữa tiệc hiếu, hỉ, họp mặt, liên hoan cũng không thể thiếu rượu, bia. Xong cuộc vui, ai nấy lại vô tư lái xe máy, ô tô về. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển ô tô, xe máy trong trạng thái say xỉn, không làm chủ tay lái và tốc độ. Tai nạn nhẹ thì gây thương tích, tàn tật cho mình, cho người khác, nặng thì gây chết người, thậm chí bản thân mình cũng thiệt mạng. Khi bị cảnh sát giao thông bắt lỗi vi phạm, nhiều người lập luận cho rằng, chỉ uống vài ly hay nhấp môi chút rượu nên xin thông cảm bỏ qua.
Nhưng từ đầu năm 2020, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, người uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông sẽ không còn được thông cảm, bởi chỉ cần trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn là sẽ bị phạt; thậm chí, nếu hôm sau lái xe thì tối hôm trước không nên uống quá nhiều vì có thể vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Do đó, những người hay uống rượu, bia sẽ phải thay đổi thói quen cũ bằng thói quen mới: Hoặc là hạn chế, không uống, hoặc là bỏ phương tiện cá nhân như ô tô hay xe máy tại nhà khi đi nhậu, thay vào đó bằng taxi, xe ôm hoặc gửi xe lại quán, nhờ người chở về. Sự thay đổi này có thể làm gia tăng chi phí và tạo ra một số điều bất tiện nhưng không còn cách nào khác, bởi chế tài xử phạt rất nghiêm khắc, đủ sức răn đe, để không ai vì tiếc tiền trả một cuốc taxi, xe ôm để có thể bị phạt hàng triệu đồng.
Bên cạnh đó, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, ngoài sự thay đổi thói quen của mỗi cá nhân còn đòi hỏi sự chung sức của nhiều cơ quan, đơn vị và cả cộng đồng. Các cơ quan, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền về luật. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cơ quan nhà nước có quy định, chế tài xử lý nội bộ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm luật…
Tin tưởng rằng, với tính nhân văn sâu sắc, lại đáp ứng được mong mỏi của đại đa số người dân, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ, như quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
NGUYỄN ĐỨC