Chỉ với 4.000m2, nông trại ViFarm (phường 12, TP. Vũng Tàu) đang trồng các loại rau ăn lá chủ yếu như rau muống, cải thìa, cải ngọt, xà lách tím... Việc canh tác ở đây đều ứng dụng công nghệ trồng rau trên giàn thủy canh hồi lưu, được thực hiện trong nhà kính, cách ly với bên ngoài. Các sản phẩm của ViFarm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Ông Cao Nhật Anh Tú, người sáng lập nông trại ViFarm, cho biết, trồng rau bằng công nghệ thủy canh hồi lưu là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Với công nghệ này, cây trồng không sử dụng đất mà sử dụng giá thể và nước. ViFarm sử dụng nguồn nước và giá thể đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Xơ dừa trước khi đưa vào sử dụng được xử lý loại bỏ các thành phần kim loại nặng, chiếu qua tia UV tiệt trùng, bảo đảm rau được nuôi trồng trong môi trường an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel bảo đảm định lượng nước tưới chính xác, không bám rêu, bộ lọc nước hiệu quả nên hoàn toàn yên tâm với việc cung cấp đủ nước cho cây trồng. Hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…) của cây sẽ được thông báo và cập nhật qua ứng dụng trên smartphone. Cũng từ smartphone, người làm vườn ở ViFarm chỉ cần nhấn nút điều khiển theo các thông số để bổ sung điều kiện thiết yếu cho rau. Với diện tích sẵn có, hiện ViFarm đang bố trí trồng 52 giàn thủy canh hồi lưu để trồng rau. Trung bình mỗi tháng, nông trại cung ứng khoảng 5 tấn rau ra thị trường. Trong khi đó, với lượng rau trên, nếu trồng theo cách thông thường phải cần đến diện tích đất khoảng 1,2ha.
Cách làm của ViFarm hiện đang được một số DN, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến tìm hiểu, học hỏi để áp dụng cho thấy mô hình “nông nghiệp xanh” đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hiệu quả của mô hình này thì không có gì phải bàn, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không bảo đảm ATVSTP thì xu hướng “nông nghiệp xanh” – nông nghiệp thông minh là hết sức cần thiết và cấp bách.
Nói một cách đơn giản, có thể hiểu “nông nghiệp xanh” là một chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi trong đó người sản xuất sử dụng những kỹ thuật nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đã có một vài chuyển động đáng kể trong sản xuất nông nghiệp thông minh của một số nông trại, tuy nhiên trên thực tế, con số này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần đây nhất, tỉnh đã có những động thái tích cực nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ bằng việc xây dựng acc1 chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cũng như nỗ lực áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật cuộc cách mạng “nông nghiệp xanh” vào sản xuất. Đơn cử như mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh phối hợp với HTX An Nhứt (huyện Long Điền) thử nghiệm máy gieo mạ và cấy lúa thông minh. Chiếc máy này kết hợp chức năng gieo mạ, cấy lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… Đáng chú ý là việc bón phân bằng máy thông minh hạn chế tối đa lượng khí thải nhà kính hơn 60%. Đồng thời, máy có hệ thống bơm tự động, quản lý và điều chỉnh mực nước qua điện thoại di động điều khiển từ xa. Với phương pháp này, nông dân có thể giảm trên 40% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu mô hình này được nhân rộng trên toàn tỉnh, thì việc sản xuất lúa của bà con nông dân không chỉ giảm được công sức lao động mà tình trạng ô nhiễm môi trường cũng được hạn chế rất nhiều.
Trước thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ như tác động xấu của biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường, báo động về ATVSTP, trong khi cách làm của người nông dân vẫn dựa theo thói quen, kinh nghiệm, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, mối liên kết giữa nông dân, nhà khoa học, DN, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng, các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh… Những khó khăn này cần được giải quyết rốt ráo mới có thể tạo ra “cách mạng xanh” cho ngành nông nghiệp. Tất nhiên để giải quyết vấn đề này, nhất thiết phải có sự nhập cuộc tích cực của các Bộ, ngành Trung ương cùng địa phương, DN và nông dân. Có như vậy mới phát triển một nền “nông nghiệp xanh” bền vững và hiệu quả.
NGÔ GIA