Lại nói về quy hoạch, quản lý đô thị

Thứ Ba, 11/06/2019, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

Sau một vài cơn mưa lớn đầu mùa, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều thành phố trong cả nước nhanh chóng chìm trong biển nước, nhiều đường phố biến thành sông khiến xe cộ bị chết máy, giao thông tê liệt. Nước bẩn dâng cao cùng với nhiều loại rác khiến việc sinh hoạt, đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Ngập úng là một trong nhiều vấn nạn mà các đô thị Việt Nam gặp phải hiện nay bên cạnh các vấn đề ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, hạ tầng cơ sở nhanh chóng bị xuống cấp, chẳng hạn như đường vừa làm xong đã bị đào lên làm cống ngầm, hệ thống nước sạch, dẫn điện….

Nhiều người qui nguyên nhân cho nạn gia tăng dân số, lối sống người dân gây sức ép lên các vấn đề y tế, giáo dục, nhà ở, giao thông… Nhưng sâu xa, đó chính là hệ quả của tình trạng thiếu quy hoạch đô thị hoặc có quy hoạch nhưng tầm nhìn quá ngắn. Cả nước hiện có 760 đô thị đều có quy hoạch chung, nhưng quy hoạch chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch. Nhiều đô thị có chất lượng quy hoạch thấp, thiếu quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận.

Quy hoạch đô thị là một động lực phát triển quan trọng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Quy hoạch đô thị thuộc phạm trù cái đẹp mang tính thời đại và lịch sử, chứa đựng trong nó biết bao cuộc sống, biết bao đền đài, công trình phúc lợi công cộng, nhà ở. Quy hoạch đô thị đòi hỏi tầm nhìn xa một đô thị có thể tồn tại, phát triển với số tuổi được tính theo từng thiên niên kỷ. Nền kinh tế hay văn hóa của một dân tộc được biết đến trong lòng nhân loại dựa trên những công việc mà ta gọi “quy hoạch” hôm nay. Quy hoạch là lập lại trật tự những bất cập trước đó chứ không phải thay thế sự lộn xộn này bằng một sự lộn xộn khác. Quy hoạch đô thị phải tính đến sự ổn định lâu dài trên cơ sở lồng ghép các mục tiêu kinh tế-xã hội vào các bản vẽ thay vì chỉ tập trung vào việc tạo dựng hình ảnh bề ngoài của đô thị, xây dựng bao nhiêu căn nhà, mở bao nhiêu km đường, nối bao nhiêu cây cầu...; Lại càng không phải bằng tâm lý “tân quan tân chính sách” khiến quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch chi tiết cứ 2-3 năm lại điều chỉnh một lần; Phải gắn chặt chế tài xử lý tổ chức, cá nhân trong việc gây mất mỹ quan đô thị trong công tác xây dựng và phê duyệt quy hoạch đô thị”. Làm Quy hoạch mà định hướng chưa phù phợp, phải điều chỉnh nhiều lần cũng đồng nghĩa với “sai một li, đi một dặm”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua những nhà thiết kế, phê duyệt quy hoạch đô thị gián tiếp gây ra tai nạn giao thông, nguy hiểm về điện, gây ngập úng tràn lan, ô nhiễm môi trường nhưng họ chẳng chịu trách nhiệm gì. Nếu có sự chế tài, buộc các nhà quy hoạch phải chịu trách nhiệm cá nhân trước những dự án không khả thi hay gây ra sự cố thì có lẽ đã không xảy ra những vấn nạn trên đây.

Hiện đang có tình trạng chính quyền các địa phương thả lỏng cho người dân, các doanh nghiệp địa ốc tự quy hoạch và nhiều chủ đầu tư đã “quy hoạch” tràn lan nhưng chủ yếu phân lô bán nền. Bộ Xây dựng còn ban hành văn bản cho phép người dân được tự thiết kế nhà ba tầng trở xuống dẫn đến hệ quả úng ngập nhiều nơi, giao thông tắc nghẽn, môi trường sống ngột ngạt vì các nhà quy hoạch và xây dựng đang biến mấy chục triệu dân Việt Nam đổ ra đường phố buôn bán, đô thị nào cũng phân lô bán đất. Nếu hai vấn đề quy hoạch và cấp phép xây dựng không được giải quyết đồng bộ thì khó có thể quản lý được tình trạng mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Muốn đô thị hóa phát triển đúng hướng phải có quan niệm đúng về quy hoạch và quản lý đô thị. Quy hoạch đô thị phù hợp thì việc quản lý sẽ thuận lợi, dễ dàng. Ngược lại, quy hoạch đô thị mang tính chắp vá, tuỳ tiện, thiếu công khai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trật tự đô thị phải được thiết lập giữa ba chủ thể: Nhà nước - các nhu cầu công cộng và quyền của cá nhân. Đặc biệt, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cần được áp dụng ngay cho công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

NGUYỄN TRIỆU HẢI
 
 
;
.