Ngày 24/6, Chính phủ đã khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Phát biểu tại lễ khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, mục tiêu của hệ thống này là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử hiện đại, minh bạch, giảm thời gian và tăng hiệu quả trong xử lý công việc.
Và với ứng dụng này, thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động. Hệ thống e-Cabinet được Chính phủ áp dụng với mục tiêu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp, sử dụng 100% văn bản điện tử.
Cũng trong cuối tuần qua, UBND TP.Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng mô hình “Phòng họp không giấy và giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” áp dụng tại trụ sở UBND thành phố.
Tương tự như e-Cabinet của Văn phòng Chính phủ, “phòng họp không giấy” được UBND TP.Hồ Chí Minh áp dụng cũng số hóa toàn bộ tài liệu, chuyển đến thành viên để nghiên cứu trước; các câu hỏi thảo luận được tổng hợp, chuẩn bị dự thảo kết luận. Trong thời gian họp, mọi người có thể truy cập nhiều tài liệu liên quan; người chủ trì có thể lấy ý kiến từ xa, hoặc tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị, cá nhân không đến dự. Khi họp xong, các ý kiến, chỉ đạo... sẽ được tổng hợp và thông tin đến những nơi liên quan. Riêng ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” giống như “thư ký ảo” cho lãnh đạo thành phố, giúp thống kê, phân loại, lên lịch công việc và nhắc việc tự động một các chính xác.
E-Cabinet hay “Phòng họp không giấy và giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” dù khác nhau về cách gọi nhưng tựu chung đều nhằm mục đích “số hóa” việc họp, ứng dụng ở mức cao công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Không thể chậm trễ hơn trong việc triển khai áp dụng một “Chính phủ điện tử” đúng nghĩa nhằm bắt kịp xu hướng tất yếu khi mà “cơn lốc” công nghệ thông tin đã len lỏi đến tất cả các lĩnh vực đời sống. Và không chỉ Văn phòng Chính phủ hay UBND TP.Hồ Chí Minh áp dụng mà “họp không giấy, nhắc việc thông minh” cần nhanh chóng triển khai cho cả nước nhằm kết nối thành một hệ thống bảo đảm đồng bộ, thông suốt.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính đã được áp dụng khá sớm và từng bước được nâng cao trong thời gian gần đây. Dễ thấy nhất là các kỳ họp HĐND tỉnh đã không còn giấy, thay vào đó là các tài liệu liên quan được số hóa. Mỗi đại biểu HĐND tỉnh khi tham dự các kỳ họp đã không còn phải vất vả khi phải ôm theo đống tài liệu giấy, mỗi kỳ họp vì thế tiết kiệm được tương đối kinh phí dành cho in ấn, văn phòng phẩm. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã sử dụng các tiện ích của thư điện tử, các phần mềm văn phòng điện tử, áp dụng chữ ký số... trong hành chính công. Mới đây nhất, UBND tỉnh vừa có văn bản đồng ý chủ trương triển khai ứng dụng Zalo vào công tác cải cách hành chính theo đề xuất của Sở TT-TT. Ứng dụng Zalo sẽ được triển khai vào việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính như: Cung cấp dịch vụ tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, dịch vụ nộp hồ sơ trực tuyến, ngoài ra còn cung cấp kênh tuyên truyền, kênh tương tác giữa chính quyền với người dân và Tổng đài dịch vụ công 1022… Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ứng dụng Zalo phải bảo đảm tính liên thông chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh sau khi đưa vào vận hành.
Chuyển sang một phương thức làm việc mới không phải là dễ, thậm chí có thể phát sinh những khó khăn ban đầu, nhưng không phải vì thế mà không nhanh chóng áp dụng bởi những tiện ích mang lại cho một nền hành chính công hiện đại.
SƠN TRÀ