Học nghề, con đường rộng mở

Thứ Tư, 26/06/2019, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn 11.000 thí sinh tỉnh BR-VT tại 19 điểm thi, cùng với gần 900.000 thí sinh cả nước đã bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Trên phạm vi cả nước, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - sau sự cố tiêu cực chưa từng có trong kỳ thi THPT năm 2018 mà đỉnh cao là tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La - được chuẩn bị chu đáo, an toàn, nghiêm túc, hạn chế thấp nhất mọi tiêu cực có thể xảy ra. Đề thi năm nay được coi là nhẹ nhàng, vừa sức, mang lại nhiều cảm xúc cho thí sinh. Ngày thi đầu tiên, có 1 thí sinh và 2 cán bộ coi thi tại một điểm thi tỉnh Phú Thọ bị đình chỉ thi và coi thi, do để xảy ra sự cố thí sinh mang theo điện thoại, tự ý chụp hình đề thi môn Ngữ văn đưa lên mạng xã hội, khi chưa hết giờ thi. Tại BR-VT chỉ có 1 thí sinh thuộc Trung tâm GDTX huyện Xuyên Mộc mang tài liệu vào phòng bị đình chỉ thi. Ngày thi đầu tiên, cả nước có hơn 30 thí sinh vi phạm quy chế, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 25 thí sinh bị đình chỉ thi.

Kỳ thi THPT quốc gia được coi là sự kiện không chỉ của riêng ngành giáo dục mà được toàn xã hội quan tâm. Sau thi là công đoạn chấm thi, xét tuyển. Nhiều bậc phụ huynh học sinh trực tiếp đưa con em đến trường  thi. Tại BR-VT, mỗi điểm thi có 15-20 thanh niên tình nguyện trợ giúp thí sinh ngoài phòng thi, tặng nhiều chai nước uống miễn phí cho các sĩ tử. Ai cũng mong con em đạt kết quả thi tốt nhất có thể, để thuận lợi trong việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Cả xã hội “soi” vào kỳ thi, mong có một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, không còn kẽ hở cho gian lận, tiêu cực như kỳ thi năm 2018. 

Trong xã hội, trong đó có ngành giáo dục đã và đang thịnh hành tư duy “bệnh thành tích”; người trẻ chỉ có vào giảng đường đại học, nhất là đại học công lập danh giá thì mới vinh quang, mới gọi là… đáng “đồng tiền bát gạo”. Tư duy này đã và đang gây ra biết bao hệ lụy xã hội, tạo ra những áp lực nặng nề không đáng có đè nặng tâm lý và đây đó là sự hành xử xã hội lệch chuẩn. 

Đề thi nhẹ nhàng, vừa sức, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT sẽ đạt cao. Vấn đề còn lại là các em sẽ được xét tuyển vào trường đại học nào? Tại sao các em học sinh và không ít các bậc cha mẹ lại không quan tâm đến các trường dạy nghề, trong khi xã hội đang thực sự thiếu hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn công nhân kỹ thuật, những lao động có tay nghề cao. Khảo sát nguyện vọng đăng ký chọn trường sau khi tốt nghiệp THPT, số đông các em học sinh ghi danh nguyện vọng vào giảng đường đại học. Trong khi đó, nhiều trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật lại thiếu vắng thí sinh đăng ký nguyện vọng. 

Một giáo sư tên tuổi, có nhiều năm giảng dạy ở nước ngoài đặt ra câu hỏi: “Văn hóa Việt, hình như ai cũng chỉ mong làm thầy, thử hỏi còn lấy ai để làm thợ? Học làm thầy để khi ra trường không kiếm ra việc làm, đậu bằng thạc sĩ mà đi tiếp liệu, đổ rác thải, lái xe taxi? Trong khi nhà máy, công xưởng, công trường thiếu vắng những người thợ thật sự có tay nghề, thu nhập cao?”.

Giáo sư Vật lý người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân phát biểu thẳng thắn trong một cuộc hội thảo khoa học tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định: “Để thúc đẩy sự tiến lên của một xã hội đạt đỉnh văn minh; để làm thay đổi căn bản văn hóa giáo dục, đổi thay tư duy và nếp nghĩ lệch lạc trong tâm thức (chỉ thích học đại học để làm thầy), cần sự quyết đấu của nhiều người, của toàn xã hội, của mỗi gia đình, của thế hệ trẻ. Đó là sự thay đổi văn hóa - văn hóa của một xã hội phong kiến và phường hội đã ăn sâu bám rễ trong từng thành tố của xã hội”. 

Rồi đây, trong bao sĩ tử của ngày hôm nay, nếu chưa được xét tuyển vào đại học, có thể yên tâm đi học nghề - làm thợ. Con đường học nghề  rộng mở. Đất nước và nhân loại đang tiến lên từng ngày. Hội nhập đang là xu thế sâu rộng không thể cưỡng lại. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản trật tự và tư duy trí tuệ. Tốt nghiệp THPT, thế hệ trẻ vào tuổi trưởng thành, không chỉ vào giảng đường đại học mà hãy nghĩ ngay đến trách nhiệm khởi nghiệp, trước khi quá chậm. Khởi nghiệp, trau dồi kiến thức và kỹ năng làm thợ, để thật sự trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. Cánh cửa đại học cùng với cánh cửa học nghề - làm thợ dang tay đón chào người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

HẢI VÂN

 

;
.