“Có phúc đẻ con biết lội/Có tội đẻ con biết trèo”, ông cha ta đã đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn để chuyển tải thông điệp đến các bậc làm cha, làm mẹ đối với sự an toàn của trẻ ở môi trường nhiều kênh, rạch, sông nước như ở nước ta.
Tôi từng suýt chết đuối vào năm lên 9 tuổi, khi theo chúng bạn ra bờ sông ngay gần nhà nghịch dại vào dịp nghỉ hè. Ký ức ấy in sâu trong tâm trí tôi, khi giữa trưa hè nắng như đổ lửa, cả một đám lau nhau tầm 9, 10 tuổi đã ra bờ sông để tập bơi. Và kết quả là tôi đã “giã gạo”, nếu không có bác chài đang ở gần đấy nhanh chóng bơi ra để cứu thì có lẽ tôi đã không có ngày hôm nay để kể câu chuyện xuýt đuối nước của mình như một bài học. Tôi cũng thấm thía câu “có phúc đẻ con biết lội” hơn ai hết khi ở độ tuổi làm cha mẹ, và hiểu sự cần thiết của việc học bơi, biết bơi của trẻ nhỏ rồi mới học làm nhà giáo, luật sư, bác sĩ, kỹ sư hay tiến sĩ…
Sở dĩ tôi muốn nhắc lại câu chuyện này bởi mới chỉ đầu hè thôi, trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường hợp đuối nước thương tâm tại hồ Đá Bàng (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức). Các em đều sinh năm 2007, ngụ tại TP.Bà Rịa nhân dịp nghỉ hè đã rủ nhau đi chơi ở hồ Đá Bàng và tai nạn thương tâm đã xảy ra. Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, mỗi năm cả nước có không dưới 3 ngàn trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích và Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực, gấp 8 lần các nước phát triển.
Thật thương tâm và không thể diễn tả hết sự đau khổ, nuối tiếc của những gia đình có trẻ em thiệt mạng do đuối nước. Nhưng công bằng mà nói, để trẻ em đuối nước lỗi phần nhiều thuộc về người lớn, khi mà ở thời đại hiện nay, hầu hết các gia đình đều có khả năng để giúp con mình “vừa biết lội, lại biết trèo”.
Ở nhiều nước trên thế giới, bơi là một môn học gần như bắt buộc đầu tiên không thể thiếu, trẻ nhỏ được học bơi từ 3 tháng tuổi trở lên và đều biết bơi khi đi học. Bởi vì ai cũng hiểu rằng, khi biết bơi và có các kỹ năng thoát nạn, các em dễ dàng phòng, tránh được đuối nước, những câu chuyện thương tâm chắc chắn sẽ giảm hẳn.
Đặc thù của các vùng, miền nước ta ở đâu cũng có nhiều sông ngòi, kênh rạch, biển đảo, vì vậy càng cần thiết phải bắt buộc dạy bơi, dạy thoát hiểm đề phòng ngập lụt, thiên tai và các tai nạn sinh hoạt khác cho trẻ em. Nếu cứ để mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn trẻ em trên cả nước tử vong vì đuối nước thì đó là lỗi lớn của chính quyền, nhà trường và gia đình khi không dạy những kỹ năng cơ bản cho thế hệ mầm non của đất nước. Các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để có môi trường an toàn cho trẻ. Nhiều trẻ dù biết bơi, vẫn gặp tai nạn đuối nước bởi không có hồ bơi an toàn, phải bơi ở sông hồ. Đi bơi không có phao bơi, áo phao, đồ bảo hộ. Thậm chí, ngay tại nơi các em sống vẫn tồn tại các hố nước xây dựng, ao tù… là nơi có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước.
Trên thực tế, từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 cả nước phải giảm được tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước xuống dưới 6% so với năm 2015 (khoảng 170 người). 40% trẻ em trong độ tuổi TH và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn. Dù chương trình đã được triển khai 4 năm qua, vậy nhưng đạt được mục tiêu trên vẫn là cả một thách thức lớn, khi mà vào cao điểm mùa hè, vẫn có những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. Có không ít vụ cùng lúc có tới 2, 3 thậm chí là nhiều hơn con số đó trẻ em tử vong do không biết bơi.
Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, dù công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội đã đóng vai trò quan trọng, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành vi, song để hạn chế tai nạn thương tích trẻ em, nhất là đuối nước rất cần các hành động cụ thể. Trong đó phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các trường học, địa bàn dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu học bơi, luyện tập bơi cho trẻ em. Việc dạy bơi, học bơi là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cần ban hành các chính sách ưu tiên dạy bơi đối với thanh thiếu niên, trẻ em; miễn, giảm học phí đối với các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình dạy bơi, học bơi cũng nên phổ cập cho mọi trẻ em, thay vì thí điểm, bởi nguy cơ không loại trừ bất cứ ai.
THẢO LINH