Đám cưới không rượu, bia - Tại sao không?

Thứ Sáu, 14/06/2019, 15:41 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 5 vừa qua, trên địa bàn xã Tân Phước (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) diễn ra một chuyện lạ: Đám cưới đầu tiên không dùng rượu, bia. Đây được coi là một khởi đầu mới trong thời điểm hiện nay của đôi bạn trẻ Tuấn Anh (25 tuổi) và Mỹ Loan (20 tuổi).

Ngay sau khi chọn được ngày lành tháng tốt để tổ chức tiệc cưới, chú rể Tuấn Anh và cô dâu Mỹ Loan cùng quyết định sẽ không sử dụng đồ uống có cồn trong tiệc cưới của mình. Họ thống nhất bày tiệc mà không có sự hiện diện của rượu, bia trên bàn, thay vào đó khách mời được phục vụ nước ngọt hay nước suối. Với gần 50 bàn tiệc cùng sự hiện diện của đông đủ quý khách, bạn bè, tiệc cưới của Tuấn Anh & Mỹ Loan vẫn được mọi người hào hứng tham dự.

Sau những ngạc nhiên, bở ngỡ ban đầu, khách dự tiệc đã vui vẻ cùng nhau nâng ly nước ngọt, nước suối thay cho rượu, bia để chúc mừng đôi bạn trẻ nên duyên vợ chồng. Ông Lâm Thương, người cùng xã với chú rể khá bất ngờ khi dự đám cưới không rượu, bia, chia sẻ: Lúc đầu tôi cũng hụt hẫng như mọi người, nhưng sau đó thì thấy bình thường và cảm thấy thích thú vì dự tiệc cưới vui vẻ mà không phải nhậu say xỉn, hại sức khỏe. Việc tổ chức tiệc cưới không rượu, bia là một nét đẹp của đời sống văn hóa nên tôi rất ủng hộ.

Thực tế cho thấy, sau khi lễ cưới kết thúc cũng là lúc có tới hàng trăm người đã có hơi men điều khiển xe máy, ô tô di chuyển trên nhiều ngã đường. Nhận thức được nguy cơ đó, mà mô hình đám cưới văn hóa (được thực hiện ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); đám cưới không rượu, bia (diễn ra mới đây ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước); mô hình đám cưới “6 không”( Không tổ chức ăn uống linh đình, không hút thuốc lá và dùng thuốc lá đãi khách, không tổ chức đám cưới quá 1,5 ngày, không tổ chức vui chơi, văn nghệ quá 22 giờ đêm, không tổ chức hôn lễ quá 45 phút, không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu bia say xỉn, không vi phạm pháp luật ATGT do Huyện đoàn Yên Mô, tỉnh  Ninh Bình khởi xướng); lễ cưới an toàn giao thông (do TP. Hà Nội thực hiện)… đã được thí điểm tổ chức. Nhìn chung, mới đầu đám cưới theo mô hình mới nhận được rất ít sự hưởng ứng của người dân vì họ cho rằng đám cưới là dịp trọng đại, cả đời chỉ có một lần nên không thể tổ chức qua loa. Nhưng sau khi nhiều địa phương triển khai thực hiện mô hình đám cưới văn hóa, lễ cưới an toàn giao thông thực sự có nhiều ý nghĩa thiết thực (tổ chức lịch sự, giản dị, ăn uống văn minh, tiết kiệm, bảo đảm an toàn giao thông…) nên được giới trẻ hưởng ứng tích cực.

Tác hại của rượu, bia khi đã quá chén đối với sức khỏe của mỗi người, nhất là những hệ lụy từ bia, rượu đối với ATGT là điều mà ai cũng biết và hiểu rất rõ. Hàng năm, trên địa bàn cả nước, theo thống kê của các cơ quan chức năng, có tới 40% số vụ tai nạn giao thông, làm chết hàng ngàn người là do rượu, bia gây ra; cùng với đó là hàng vạn người khác bị thương tích, bị di chứng, tàn tật… đã trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình và xã hội. Mặc dù vậy, để xóa bỏ một tập tục vốn đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người “đã ăn cưới là phải có rượu, bia”, là phải “nhậu tới bến ở đám cưới”… đòi hỏi phải có thời gian và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, của các đoàn thể và nhất là ý thức của mỗi người dân.

Tuy chưa trở thành phong trào rộng khắp, nhưng những mô hình đám cưới vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm an toàn giao thông nêu trên bước đầu đã tạo được sự đồng tình của dư luận và cần được nhân rộng. Với tinh thần hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ các mô hình đám cưới không rượu, bia, lễ cưới ATGT rất cần sự gương mẫu đi trước của cán bộ, đảng viên, tiếp đến là đoàn viên, thanh niên ưu tú. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện cần chú trọng công tác tuyên truyền và vận động người dân thấy rõ những lợi ích thiết thực đối với gia đình và cộng đồng xã hội trong việc thay đổi những tập quán xưa cũ; tổ chức tiệc cưới theo phong cách mới, tiết kiệm, vui vẻ và an toàn giao thông cho mọi người, cho mọi gia đình và xã hội.                         

HOÀNG LÊ

 
;
.