Ngày 19-5, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Trên thực tế, những năm gần đây, phong cách tiếp dân, thái độ phục vụ nhân dân và tinh thần trách nhiệm với công việc của CBCCVC thay đổi theo hướng tích cực. Các cơ quan nhà nước cùng đội ngũ CBCCVC trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh BR-VT nói riêng đã có nhiều sáng kiến, giải pháp rút ngắn thủ tục hành chính; sáng tạo những cách làm hay trong thực thi công vụ nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch. Bên cạnh việc công khai bộ thủ tục hành chính tại trụ sở, nhiều cơ quan còn bố trí người hướng dẫn công dân ghi thông tin, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi nộp, tránh phải đi lại nhiều lần. Mô hình tăng thêm thời gian giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ làm việc đã được một số địa phương triển khai, tạo thuận lợi hơn cho người dân. Công chức đến tận nhà người dân để tiếp nhận hồ sơ và trao trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính dần trở thành việc phổ biến… Những việc làm đó đã khắc họa nên hình ảnh đẹp của người công chức tận tụy với công việc gắn với nền hành chính gần dân, vì dân.
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn một bộ phận CBCCVC chưa thực sự hết lòng phục vụ nhân dân, còn mang tư duy cửa quyền, ban phát; có lời nói, hành xử thiếu chuẩn mực khi tiếp xúc nhân dân, doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận. Những CBCCVC có tư duy, thái độ như vậy dần trở nên lạc lõng và sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải.
Phát biểu tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã nhấn mạnh: “Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi trễ về sớm. Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu”.
Văn hóa công sở là chuẩn mực xử sự chung của một cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, văn hóa công sở là cái vô hình, không thể cân đong, đo đếm được. Việc thực hiện văn hóa công sở phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân mỗi CBCCVC. Một hành động, một thái độ không đúng mực của cá nhân cũng có thể phá hỏng mọi nỗ lực của tập thể. Do đó, việc xây dựng văn hóa công sở trước hết phải bắt đầu từ xây dựng ý thức văn hóa của mỗi CBCCVC. Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại, CBCCVC càng phải có tác phong chuyên nghiệp, tận tâm, sáng tạo với tinh thần phục vụ. Điều đó đòi hỏi mỗi CBCC phải không ngừng tự học hỏi nâng cao trình độ; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ và văn hóa cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng văn hóa công sở, để nền hành chính thực sự là nền hành chính phục vụ nhân dân, vì nhân dân.
ĐỨC NGUYÊN