Phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ Năm, 30/05/2019, 17:56 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay cũng là ngày Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 đã được thi hành tròn đúng 2 năm (từ 1-6-2017). Năm 2019 là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em, là năm thứ 25 tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em” với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước trẻ em” được phát động trên phạm vi cả nước. 

So với các năm trước, chủ đề hành động vì trẻ em năm nay nhấn mạnh đến vấn đề phòng, chống, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Theo quy định Luật Trẻ em, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Theo đó, mọi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ, thương yêu trẻ em; hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em thực hiện đầy đủ 25 quyền của mình được quy định trong Luật Trẻ em.

Theo Bộ LĐTBXH, trong những năm gần đây, mỗi năm cả nước vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và hơn 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục. Còn tại tỉnh BR-VT, theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2016 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 114 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trong những tháng đầu năm 2019, cũng đã xảy ra 21 vụ xâm hại tình dục trẻ em (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2018), gồm: 7 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi,  11 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và 3 vụ dâm ô người dưới 16 tuổi. Trước thực trạng này, ngày 22-5 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản số 72/UBND-BCĐ 138 yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. 

Trong “Tháng hành động vì trẻ em” năm nay, đây là đợt cao điểm các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin về pháp luật, chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống tảo hôn, tình trạng trẻ em bỏ học, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương. 

Thời điểm này, các em học sinh đã vào kỳ nghỉ hè. Vì vậy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương cần phải có các giải pháp bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em tại địa phương; phối hợp với phụ huynh tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em, như: Tổ chức trại hè, các chuyến tham quan dã ngoại tìm hiểu thiên nhiên, các hoạt động vui chơi, giải trí gắn với tình yêu quê hương đất nước, phát triển nhân cách, lối sống lành mạnh, tuân thủ pháp luật (thi vẽ tranh về biển, đảo; tìm hiểu luật giao thông; phòng, chống ma túy…). Tổ chức các diễn đàn để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em. Tổ chức các lớp huấn luyện, trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mô hình, chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện, để trẻ em được phát huy quyền tham gia, giúp các em tự tin, nhận thức đúng và thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm của mình đối với chính bản thân các em, với gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

NHỰT THANH

 

;
.