Nâng giá trị rau quả xuất khẩu

Thứ Hai, 13/05/2019, 16:24 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều năm gần đây, rau quả xuất khẩu là một trong những nhóm hàng có tốc độ bứt phá mạnh nhất của ngành nông nghiệp nước ta. Đặc biệt, năm 2018 được xem là năm xuất khẩu rau quả thành công với kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay, đạt gần 4 tỷ USD. 

Sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, mới đây, xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ, một trong những thị trường khó tính bậc nhất trong việc nhập khẩu các loại rau quả trên thế giới. 

8 tấn xoài đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ là xoài cát Hòa Lộc, cát chu và tượng da xanh có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Đồng Tháp. Xoài xuất khẩu vào thị trường Mỹ không chỉ bảo đảm về chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mà còn phải đạt chuẩn về kích cỡ. Xoài tượng da xanh phải nặng hơn 700g/quả, xoài cát chu từ 300g, còn xoài cát Hòa Lộc chỉ lấy những quả có trọng lượng hơn 400g. 

Thực tế cho thấy, thị trường nhập khẩu rau quả thế giới ngày càng siết chặt với những đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa và quan trọng nhất là việc bảo đảm các tiêu chí không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Gần đây, ngay cả những thị trường “dễ tính” như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… cũng đã có những thay đổi trong các quy định mới về nhập khẩu rau quả. Đơn cử, thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 74% thị phần xuất khẩu rau quả của nước ta) đã và đang tăng cường việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản nhập khẩu. Theo quy định mới, rau quả Việt Nam chỉ được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trên tuyến biên giới đất liền Việt-Trung; phải dán tem và có nhãn mác bao bì xuất xứ hàng hóa (kể cả các loại hoa quả thông dụng như: Dưa hấu, thơm, chuối…). Bên cạnh đó, hải quan Trung Quốc còn yêu cầu các chủ hàng Việt Nam phải thực hiện các thủ tục thông quan đối với các loại hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu đã được chỉ định. Không những thế, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ thực hiện một số thay đổi trong giám sát nhập khẩu rau quả vào thị trường nước này. Theo đó, sản phẩm hàng hóa nông sản và thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận “An toàn thực phẩm” do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.

Việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu rau quả qua đường tiểu ngạch cũng là dịp để các nhà sản xuất nước ta cần quyết liệt hơn trong việc thay đổi quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa; thực hiện đồng bộ cách thức ghi rõ xuất xứ nguồn hàng và nhãn mác bao bì cho từng loại sản phẩm.

Trong quá trình hội nhập và theo các quy định mới, các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng thực hiện nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn rau quả nhập khẩu. Điều đó đã thực sự tác động tới sản lượng xuất khẩu rau quả của nước ta. Số liệu thống kê quý I/2019 cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, do chỉ được xuất khẩu chính ngạch; một số thị trường quan trọng ở khu vực Đông Nam Á cũng giảm mạnh, như Malaysia giảm 52%, Thái Lan giảm 31,8%… 

Năm 2019, ngành nông nghiệp nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc cơ cấu lại ngành sản xuất NN, phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực, bao gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hàng hóa nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường của hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế nhưng có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 Để nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa nông sản nói chung và rau quả nói riêng, các địa phương cần chú trọng thực hiện việc liên kết giữa nhà nông với các DN để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Lựa chọn một số mặt hàng nông sản có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu: Sản lượng đủ lớn, ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bán giá cạnh tranh; quy hoạch và phân vùng để xây dựng thành các cánh đồng chuyên canh lớn và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân và các DN trong việc nâng cao giá trị rau quả xuất khẩu.

HOÀNG LÊ

 
;
.