Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng liên quan đến tài xế uống rượu bia.
Rạng sáng 1-5, tài xế Lê Trung Hiếu ( 39 tuổi) sau khi uống rượu bia ở buổi họp lớp đã lái xe Mercerdes tông chết 2 phụ nữ ở hầm chui Kim Liên (Hà Nội). Trước đó, tối 22-4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều ly bia đã lái xe ôtô 7 chỗ tông ngã chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng khiến chị này tử vong tại chỗ. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy tài xế Lê Trung Hiếu vi phạm 0,751 mg/lít khí thở, Đỗ Xuân Tuyên vi phạm 1,041 mg/lít khí thở. Những mức vi phạm rất nặng. Chẳng có gì bù đắp được sự mất mát ấy cho các nạn nhân!
Một làn sóng phản đối và lên án ma men lái xe sục sôi cả trên mạng lẫn ngoài đời.
Trên trang cá nhân, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cảnh báo gay gắt “Uống rượu và lái xe: 1 người tốt đã thành kẻ giết người”. Nhiều cư dân mạng đồng loạt thay đổi avatar nhận diện, “nhuộm đỏ” facebook với những hình ảnh mang thông điệp: Lái xe không uống rượu, uống rượu không lái xe; Hãy từ bỏ việc cầm vô lăng khi có chất men trong người; Hãy từ bỏ việc trở thành kẻ dự bị giết người sau tay lái”.
Phẫn nộ và bức xúc trước những vụ TNGT dồn dập những ngày gần đây do các tài xế say xỉn gây ra,ông Phan Bá Mạnh, lái xe của Công ty ACF, trú tại Long Biên, Hà Nội, đã gửi “tâm thư” đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị áp dụng các hình thức tăng nặng đủ sức răn đe để đủ ngăn chặn và đánh thức những con “ma men” trong mỗi người. Với lời lẽ chân thành và sự thấu hiểu, lá thư đã chạm đến trái tim nhiều người, đặc biệt là những người trong giới tài xế.
Chẳng nơi đâu dân nhậu lại liều mạng như ở ta. Theo khảo sát của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2018 có tới 70% người sau khi uống rượu, bia ở nhà hàng đã tự lái xe về. Không ai khác, họ chính là những thần chết di động đang di chuyển trên phố, có thể lấy đi bất cứ tính mạng của ai trên đường như tâm thư ông Mạnh gửi Thủ tướng.
Phản đối và lên án các tài xế lái xe sau khi uống rượu bia, gây tai nạn thương tâm là chưa đủ. Không thể sử dụng mãi những lời khuyến cáo, nhắc nhở để thay đổi nhận thức của những kẻ say. Cũng không thể để tiếp tục xảy ra những cái chết đau đớn, oan ức dưới bánh xe của những “ma men thần chết”.
Đã đến lúc ngăn chặn “ma men”cầm lái phóng bạt mạng trên đường. Nhưng các quy định pháp luật về tội danh liên quan đến người say rượu lái xe lại chưa đủ sức nặng để răn đe những tài xế có hơi men. Cần những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và giải pháp được nói đến nhiều nhất trong những ngày qua là xây dựng một môi trường pháp lý chặt chẽ, thay đổi chế tài xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện theo hướng tăng mức phạt tiền, bỏ tù, bổ sung hình phạt lao động công ích, tước bằng lái dài hạn hoặc vĩnh viễn, kể cả trường hợp chưa gây tai nạn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, nhiều chuyên gia và người dân đã đồng thuận với đề xuất bức thiết nói trên. Một khi những đề xuất trên đây trở thành hiện thực nó sẽ buộc tất cả mọi người phải có suy nghĩ thường trực rằng, uống rượu bia lái xe là hành vi đặc biệt nguy hiểm, sẽ bị xử phạt rất nặng để rồi nghĩ đến hình phạt mà không dám uống rượu bia.
Chỉ có những hình phạt có tác dụng răn đe mạnh mẽ mới có thể đủ sức “lay tỉnh”, khiến người lái xe không dám vì ham vui mà đối diện với hậu quả nặng nề.
NGUYỄN TRIỆU HẢI