Thảo luận Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu QH đã tập trung phân tích và nêu rõ những thành tựu cũng như những hạn chế của nền kinh tế nước ta.
Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2018, những tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt được ở mức khá cao, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Riêng quý I/2019, tăng trưởng kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn thấp hơn mức cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 6,79%. Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của công tác điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn và đẩy mạnh việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Thực tế cho thấy, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay là một cơ chế hỗn hợp giữa thị trường và Nhà nước trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta trong những năm qua đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong cơ chế vận hành. Nghiêm trọng nhất là là tình trạng chậm trễ, thiếu linh hoạt và kém hiệu quả trong sự kết hợp giữa tổng cung và tổng cầu, khiến sản lượng luôn thấp hơn tiềm năng, không phát huy được hết các động lực và nguồn lực của xã hội. Nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, lao động trình độ thấp và tài nguyên thiên nhiên, mà chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học – công nghệ và lao động có kỹ năng, trình độ cao. Năng suất lao động chậm được cải thiện và hiện thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Mô hình tăng trưởng của nước ta chưa chuyển đổi kịp theo yêu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đầu vào sản xuất của một số ngành kinh tế chủ lực còn lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Sản xuất kinh doanh chưa gắn kết được với mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Do tồn tại những bất cập nêu trên nên kinh tế nước ta tăng trưởng chưa ổn định, thiếu sự vững chắc, tính bền vững không cao và rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi về thị trường hoặc những biến động về tài chính tiền tệ trên thế giới và khu vực.
Nhằm tháo dỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương phải thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế, liên quan đến sản xuất, kinh doanh theo hướng đồng bộ, minh bạch; bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trái quy định của pháp luật. Tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp vào việc tăng năng suất lao động, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng khoa học – công nghệ. Nâng cao nhận thức trong các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về tăng trưởng xanh trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và xác lập vị thế của kinh tế nước ta trong nền kinh tế xanh toàn cầu với những tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính theo hướng bảo đảm thông suốt, hiệu lực và hiệu quả. Hình thành cơ chế mỗi việc, mỗi lĩnh vực do một cơ quan phụ trách và chịu trách nhiệm nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng và nhiệm vụ quản lý. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
HOÀNG LÊ