Đi tìm "ông nhạc trưởng"

Thứ Ba, 14/05/2019, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 6-5, trong khi nhiều đại biểu dự hội nghị “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” tổ chức tại Đồng Nai “than phiền” hệ thống giao thông chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển của vùng thì trên QL51, đoạn từ nút giao đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến ngã ba Nhơn Trạch từng hàng xe -trong đó có không ít xe container, xe tải nối đuôi nhau nhích từng bước một. Một hình ảnh minh chứng sống động cho điều mà các đại biểu cho là nút thắt hạ tầng là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ phát triển của toàn vùng.

Không chỉ QL51, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các đường vành đai, các quốc lộ kết nối nội vùng mà giao thông đô thị cũng thường xuyên bị ùn tắt trong giờ cao điểm.

Ai cũng sốt ruột nhưng bồn chồn, lo lắng hơn cả có lẽ các DN, tài xế các xe tải, xe container. Kẹt xe triền miên đã khiến họ không thể đưa hàng ra cảng đúng giờ làm tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN.

Đường bộ nghẽn, đường không, đường thủy của vùng cũng nghẽn. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải 30%, việc chậm, hủy chuyến diễn ra thường xuyên trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hành khách. Kế hoạch họp hành, du lịch, kinh doanh bị đảo lộn, thiệt hại về kinh tế, thời gian khó lòng đo đếm được. Sân bay Côn Đảo quá nhỏ, chưa đáp ứng được việc hạ cánh của loại máy bay lớn như Airbus A320, A321. Nhóm cảng biển Đông Nam bộ (cảng biển nhóm 5) tuy được đầu tư theo hướng gần hơn với biển nhưng lại xa các trung tâm sản xuất, kết nối cảng lại thiếu đồng bộ, chưa đảm nhiệm vai trò trung tâm trung chuyển hàng hóa.

Từ nhìn nhận, đánh giá, đề xuất của lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh thành thuộc vùng, các hiệp hội, chuyên gia, nhà đầu tư tại hội nghị, người ta nhận ra rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa “phất” mạnh lên được, thậm chí có dấu hiệu chững lại là do thiếu cơ chế phát triển vùng nhằm tạo ra một không gian thống nhất từ đó không phát huy được sức mạnh liên kết, thậm chí còn khác biệt nhau về quan điểm phát triển, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, mạnh ai nấy làm, gây lãng phí nguồn lực và triệt tiêu lợi thế của các địa phương. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu một ví dụ: Nếu như tỉnh Đồng Nai “sốt ruột” muốn đầu tư kết nối hạ tầng với TP.Hồ Chí Minh nhưng thành phố lại thấy bình thường. Hay như tỉnh Bình Dương sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai lại thấy chưa quan trọng.

Từ thực tế này, tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất cần lập tổ tư vấn hay bộ phận giúp việc chuyên trách ngồi nghiên cứu tại chỗ về phát triển vùng. Nói nôm na là cần có một “ông nhạc trưởng” để chỉ đạo, điều hành hoạt động của vùng thay cho Hội đồng vùng hoạt động theo cơ chế luân phiên, không phải cấp hành chính nên không có nguồn lực để điều phối sự phát triển chung. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên cũng nói, tổ tư vấn phát triển vùng có thể đề xuất lên Chính phủ. Không thể để các tỉnh ngồi lại bàn luận với vai trò như anh em, như vậy không tạo ra động lực.

Thực tế cho thấy, qua 12 năm ở trong “mái nhà chung” 8 tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn thực hiện theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình. Vai trò của Hội đồng vùng còn rất mờ nhạt (chủ yếu chỉ dừng lại ở mức ghi nhận ý kiến đóng góp của các tỉnh và trình Chính phủ xem xét), sự phối hợp giữa Hội đồng vùng với các bộ, ngành Trung ương cũng lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành.

Cả nước hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm. Qua nhiều lần hội thảo, họp bàn, lãnh đạo các tỉnh thành các vùng kinh tế trọng điểm khách quan nhìn nhận vấn đề liên kết vùng thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong đợi, chưa tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, gắn kết của từng địa phương. Họ cũng nói đến việc đi tìm “ông nhạc trưởng” đủ tầm để xây dựng chiến lược liên kết dựa trên phát huy sức mạnh của địa phương, tránh tình trạng phát triển tự phát của từng tỉnh như hiện nay.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 45% GDP của cả nước. Để khu vực này tiếp tục là đầu tàu, dẫn dắt kinh tế cả nước, cần thiết có một cơ chế về nhân lực, chính sách đầu tư, tài chính để vùng có điều kiện bứt phá, liên kết vùng được tốt hơn. Lối nói hình tượng “đi tìm ông đạo diễn” chính là đi tìm cơ chế, chính sách thích hợp cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
;
.