Những ngày qua, dịch tả heo châu Phi đang có diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Đến nay trên cả nước đã có 43 tỉnh, thành xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi. Riêng khu vực phía Nam, ổ dịch đầu tiên xảy ra ở tỉnh Hậu Giang vào ngày 11-4, đến nay đã lan nhanh tại 8 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân chính dẫn đến sự lây lan mạnh mẽ của bệnh dịch này gồm: Vẫn còn tình trạng bán heo bệnh, heo chết; chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao; thời tiết mưa ẩm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển; hộ nuôi khi phát hiện heo bị dịch bệnh không khai báo ngay; việc tiêu hủy chưa đạt yêu cầu; việc kiểm dịch gia súc vận chuyển chưa đúng quy định... Ban đầu, dịch tả heo châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và thậm chí, dịch xảy ra ngay cả tại các trang trại chăn nuôi heo lớn từ 1.000-4.000 con. Đơn cử như tại Hậu Giang, một hộ chăn nuôi bị thiệt hại tới 8 tỷ đồng khi phải tiêu hủy hơn 1.300 con heo nhiễm dịch. Trong khi đó, hiện nay bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc chữa, chưa có vắc xin, chỉ phòng là chính. Nếu không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chăn nuôi heo, gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội, nhất là ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Tại BR-VT, hơn lúc nào hết việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi có thể lây lan là hết sức cấp bách. Bởi thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước nói chung, Đông Nam bộ nói riêng là tỉnh Đồng Nai, địa phương tiếp giáp BR-VT đã xảy ra dịch tả heo châu Phi. Ngoài ra, Đồng Nai cũng là địa phương cung cấp gần 20% lượng heo thịt được giết mổ để tiêu thụ tại BR-VT, với khoảng 200-250 con/ngày. Thêm vào đó, hiện nay tổng đàn heo của tỉnh khoảng 412.000 con, tuy nhiên tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ khá lớn, khoảng 222.000 con, tương đương 52,79% càng khiến nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này dễ lây lan vào tỉnh. Hiện có 12 chốt kiểm dịch được thành lập nhằm tăng cường kiểm soát heo ra, vào tại 3 địa phương Xuyên Mộc, Châu Đức và TX. Phú Mỹ là vùng chăn nuôi heo trọng điểm của tỉnh, thường xuyên có sự trao đổi nguồn heo với tỉnh Đồng Nai. Các tổ lưu động cũng như chốt “dã chiến” nhằm kiểm tra, phát hiện kịp thời heo có dấu hiệu bệnh nhập vào tỉnh cũng được các địa phương triển khai thực hiện.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn biện pháp khống chế dịch tả heo châu Phi ngày 4-3, một khẩu hiệu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là “chống dịch như chống giặc”. Tuy nhiên, tại thời điểm này “giặc dịch tả heo”, từ 7 tỉnh đã lan ra tới 43 tỉnh thành trên cả nước, cho thấy nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch. Nếu chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt, thực hiện các biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời như chỉ đạo của Thủ tướng, chắc chắn dịch sẽ không lây lan nhanh như hiện nay, đang có nguy cơ uy hiếp tổng đàn heo trên cả nước là 28,1 triệu con. Không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội, môi trường…
Do đó, hơn lúc nào hết, ngay lúc này cần huy động các cấp, các ngành, các địa phương “xắn tay áo” vào cuộc để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt là với BR-VT đang đứng trước mối nguy cơ dịch tả heo lây lan từ các địa phương trong vùng như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Ngoài các giải pháp của cơ quan chức năng thì các hộ chăn nuôi phải triệt để thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho heo. Về lâu dài, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, nhất là các kỹ thuật chăn nuôi sinh học, vừa giảm nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi, vừa tăng chất lượng sản phẩm. Có như vậy, ngành chăn nuôi mới phát triển một cách bền vững, hiệu quả.
NGÔ GIA