Cần thêm nhiều khu công nghiệp kiểu mẫu

Chủ Nhật, 05/05/2019, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 vừa kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là một trong hai dự án KCN kiểu mẫu của cả nước nằm trong thỏa thuận hợp tác và  phát triển được ký kết giữa Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11-2011. Dự án này cũng nằm trong “Chương trình sáng kiến phát triển kinh tế địa phương” của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA cùng chính quyền tỉnh BR-VT hỗ trợ để phát triển thành một KCN kiểu mẫu. Đến nay, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng: Hệ thống đường giao thông nội khu cao cấp; Nhà máy xử lý nước thải công suất 9.000m3/ngày đêm, với tiêu chuẩn xử lý nước thải đạt loại A đầu tiên tại tỉnh BR-VT; Hệ thống điện ngầm hiện đại đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định; Hệ thống cung cấp nhiên liệu sạch là khí gas với mục tiêu bảo vệ môi trường không khí, đến tận hàng rào nhà máy khách hàng; Hệ thống cây xanh phủ kín...

Nhưng điều đáng nói là ở KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 còn có cả văn phòng giao dịch ngân hàng BIDV; Văn phòng hội nghị: Văn phòng một cửa để hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng xuyên suốt quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành dự án, đồng thời là cầu nối giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương, đảm bảo quá trình hoạt động sản xuất thông suốt và thủ tục hành chính đơn giản. Cơ chế “một cửa - tại chỗ”, khu phi thuế quan và các trung tâm tiện ích trong KCN chuyên sâu đã đáp ứng nhu cầu về “hạ tầng mềm” đối với các nhà đầu tư. Với những ưu thế nổi bật, chỉ sau 5 năm đầu tư hạ tầng, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã thu hút được 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các lĩnh vực ngành sản xuất, kinh doanh đa dạng. Trong đó có 9 nhà đầu tư vốn 100% Nhật Bản, 1 nhà đầu tư Hàn Quốc và 3 nhà đầu tư Việt Nam, 1 liên doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Tổng vốn đầu tư FDI thu hút khoảng 18.500 tỷ đồng trên diện tích cho thuê khoảng 130ha. So với “tuổi đời” còn rất ít của KCN, cho thấy sức hút nhà đầu tư rất lớn từ KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 này.

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về Xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã nhìn thấy tiềm năng và lợi thế từ KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Đồng chí cho rằng, cần đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh phải là KCN kiểu mẫu, thực hiện tốt các quy định về môi trường, các dịch vụ, hạ tầng mềm…

Bởi lẽ, khi một DN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, điều đầu tiên mà họ cần là không chỉ lợi thế địa lý, về hạ tầng mà còn là những tiện ích từ KCN mang lại. So sánh lợi thế của các KCN tại BR-VT đều có vị trí địa lý thuận lợi, gần các cảng biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Bên cạnh đó, hầu hết các KCN xây dựng đồng bộ, hiện đại có quy mô lớn, nhưng tỷ lệ lấp đầy vẫn rất thấp. Vậy sự khác biệt ở đây là gì? Câu trả lời là, sự khác biệt chính là ở “hạ tầng mềm”, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư như đã kể trên. Những chủ đầu tư linh hoạt, áp dụng nhiều giải pháp hướng vào việc cải thiện hạ tầng xã hội, dịch vụ tiện ích tối đa, đặt sự bảo vệ môi trường lên hàng đầu đã gặt hái được thành công nhất định, đó chính là lợi thế tạo được sức hút đối với nhà đầu tư thứ cấp.

NGÔ GIA

 

;
.