Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang bàn thảo về Luật Giáo dục (sửa đổi). Nội dung bản dự thảo Luật vẫn còn những điểm băn khoăn của không ít đại biểu Quốc hội, trong đó có mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình; cộng đồng trách nhiệm giữa các bậc cha mẹ và thầy cô; phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo; chuẩn giáo viên; về sách giáo khoa v.v... Và mỗi ngày, mỗi giờ qua đi, xuất hiện bao vấn đề “nóng” về văn hóa học đường liên quan đến sự nghiệp trồng người, mà xã hội hết sức quan tâm.
Tháng 5, hoa phượng, hoa bằng lăng nở rực sân trường và trên các tuyến đường. Mùa Hè, ve sầu kêu, nắng vàng chói chang nhưng trong lòng nhiều em học sinh lớp 12 THPT, thời điểm chia tay mái trường thân yêu, càng thêm rạo rực, bâng khuâng, lưu luyến. Giữa tháng 5, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp, cảm động buổi họp lớp cuối cùng của các em học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc, BR-VT). Buổi họp lớp cuối cùng ấy có sự tham gia của thầy chủ nhiệm và các bậc cha mẹ, với những giọt nước mắt lăn dài trên má các em, các bậc làm cha làm mẹ và cô thầy. Các em bí mật tổ chức lễ tri ân đấng sinh thành, dưỡng dục, để hôm nay những bé trai, bé gái trong bộ đồng phục và những tà áo dài trắng, vào tuổi 18 - tuổi trưởng thành.
Ý tưởng của các em học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hòa Hội ấp ủ suốt một thời gian dài. Các em bí mật - thầy chủ nhiệm lớp cũng không ngờ - chuẩn bị những món quà bình dị, nhẹ nhàng, có khi chỉ là tấm tranh thêu con chim rừng - một kỷ niệm đẹp của cha ngày ở cung đường Trường Sơn huyền thoại; bức tranh tự các em vẽ hình con vật ứng với tuổi của cha, của mẹ; mấy cành hoa bằng lăng tím hoặc một bó hoa rừng được cắt tỉa, gói ghém… Trí tưởng tượng, tình yêu cha mẹ và thầy cô của các em, từ trái tim, đôi khi thật ngộ nghĩnh, thật đáng yêu. Các em không chỉ lồng ghép hình ảnh biết ơn mà còn mạnh dạn sẻ chia cả những lỗi lầm của mình trước cha mẹ và thầy cô. Một em học sinh gái tâm sự rất thực: “Lần ấy, kéo dài đến vài tuần, chỉ vì tự ái riêng mà tư tưởng phân tâm, muốn bỏ nhà ra đi, con đã sao nhãng học tập, rất có lỗi với cha mẹ, với thầy cô. Con xin được cúi đầu để ba mẹ tha thứ”. Dứt lời, rưng rưng lệ, mẹ đã ôm chặt con gái vào lòng: “Chính mẹ lo công việc mà không để tâm đến con, mẹ có lỗi”. Và cả hai mẹ con cùng khóc(!)… Có ai đó, ngồi lặng lẽ trong buổi họp lớp cuối cùng này vẫn thích dùng đòn roi dạy bảo con khi bị điểm kém, khó cầm lòng, phải chăng họ đã ân hận?…
Bằng những hình ảnh diễn tả chân thật, xúc động, hôm đó các em học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hòa Hội đã cùng nhau xây dựng bộ ảnh kỷ yếu - những dòng lưu bút, với cảm xúc rất thực, tự đáy lòng. Tập thể lớp 12A3 đã có buổi họp lớp cuối cùng cảm động để ngày mai, ngày kia chia tay nhau, chia tay thầy cô, chia tay mùa hoa phượng đỏ rực sân trường. Mai này, một vài tháng tới, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em bước chân vào các giảng đường đại học, cao đẳng, hoặc các trường dạy nghề trong và ngoài nước. Có em bước chân vào môi trường quân đội, công an - trở thành người chiến sĩ mới trong quân ngũ, những sĩ quan tương lai trong quân đội.
Trong mỗi chúng ta, ai chẳng có những kỷ niệm khó quên về buổi họp lớp cuối cùng, dưới mái trường xưa. Thời điểm này, tỉnh BR-VT và cả nước, có hàng ngàn những buổi họp lớp cuối cùng xúc động như thế. Hình ảnh chia tay - tri ân đọng mãi trong con tim, khối óc bao thế hệ học trò. Sự nghiệp trồng người, văn hóa học đường, tự nó đọng lại những buổi họp lớp cuối cùng, tri ân cha mẹ và thầy cô. Bởi nó có tác dụng giáo dục, gieo vào lòng các em những kỷ niệm tuổi thơ đẹp lung linh, những giá trị sống nhân văn - biết lỗi và biết tri ân sâu sắc.
Luật Giáo dục (sửa đổi) bắt nguồn từ thực tiễn sinh động của đời sống học đường và cuộc sống. Hãy thật sống động, nghiêm ngặt mà nhân văn và nhân rộng những buổi họp lớp cuối cùng như của học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hòa Hội - cũng như nhiều những buổi họp lớp cuối cùng xúc động khác, do chính các em dàn dựng, tổ chức.
HẢI VÂN