Đã có nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế bàn về căn bệnh ung thư. Và cũng đã có không ít cuộc tọa đàm, trao đổi, định nghĩa về ung thư, căn nguyên căn bệnh quái ác này, dưới góc nhìn mới, cách tiếp cận mới. Trong giới nghiên cứu y khoa, có người đã gọi đích danh ung thư là căn bệnh thế kỷ, căn bệnh thời đại, là thảm họa?
Xin nêu một vài con số thống kê vừa được Tổ chức Ung thư toàn cầu và giới khoa học công bố mới đây. Rằng, hiện nay, hàng năm ung thư cướp đi sinh mệnh khoảng 8,2 triệu người. Và những năm gần đây, hàng năm phát hiện khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới. Khoảng 65% người bị bệnh ung thư sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Theo Giám đốc Bệnh viện K. Hà Nội, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao. Năm 2018 và đầu năm 2019, Việt Nam có hơn 300.000 người, hàng ngày vật vã chiến đấu với ung thư. Thật đau lòng, hiện nay, mỗi ngày ở Việt Nam có hơn 300 người chết do ung thư, mỗi năm có gần 120.000 người tử vong do ung thư. Có những làng - xã, người ta mệnh danh “làng - xã ung thư”, gần như 80-90% số người chết tại làng xã đó là do ung thư. Số chi phí mà người bị bệnh ung thư bỏ ra điều trị hàng năm phải kể đến con số “khủng” hàng chục ngàn tỷ đồng, chưa kể mỗi năm có khoảng hơn 2.000 người có điều kiện kinh tế khá, đưa ra nước ngoài hàng chục triệu USD “mua sự sống” tại các bệnh viện tiên tiến, chủ yếu là tại Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Ung thư gan đang dẫn đầu các loại ung thư thường gặp ở nam giới - do tác hại của bia rượu; sau gan là phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới, ung thư thường gặp lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi…
Ung thư đang cướp đi sự sống hàng triệu người, gây thiệt hại vô cùng lớn cho kinh tế - xã hội. Dù gọi nó là hiểm họa hay thảm họa thì ung thư vẫn là căn bệnh quái ác. Người ta nói, ngày nay điều trị ung thư không còn khó, không phải là chứng bệnh nan y nếu phát hiện được sớm. Khốn khổ, thực tế là số đông người bệnh ở Việt Nam khi phát hiện được ung thư thì đều đã trễ, quá muộn, tỷ lệ sống thấp. Và thần chết cứ lơ lửng trên đầu chẳng khác gì cái thòng lọng chờ chực xiết vào cổ. Việt Nam có 8 bệnh viện chuyên khoa, 69 trung tâm, đơn vị chuyên khoa điều trị ung bướu. Chừng ấy cơ sở điều trị chuyên khoa ung thư tuy đã là sự cố gắng lớn của ngành y tế, của Đảng, Nhà nước và xã hội, nhưng so với nhu cầu thực tế, hiện nay vẫn còn hàng chục ngàn bệnh nhân ung thư chưa có nơi điều trị đúng nghĩa của nó. Đấy là sức ép xã hội vô cùng lớn mà xã hội đang phải gồng mình xử lý, giải quyết.
Một câu hỏi lớn được đặt ra, đó là đi tìm căn nguyên của căn bệnh ung thư, để từ đó mà giải quyết tận gốc rễ vấn đề phòng bệnh. Các nhà khoa học, trước hết là y học đã khẳng định, căn nguyên chủ yếu dẫn đến ung thư là do “nhập khẩu bệnh” qua đường ăn uống. Ăn không sạch, uống không sạch, thực phẩm không rõ nguồn gốc - đồ ăn thức uống chất chứa nhiều hóa chất, khói thuốc lá… cho vào cơ thể mà sinh bệnh ung thư. Việt Nam đang là đất nước mỗi năm tiêu thụ 5 tỷ lít bia, rượu, chất có cồn độc hại. Việt Nam có tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá nhiều: Vâng, chính đó là ung thư (!). Cá biển, thịt - lòng ruột động vật hôi thối, tẩm hóa chất để tẩy trắng, súc rửa sạch, rồi chế biến các món khoái khẩu… ăn nhậu: Vâng, chính đó là mầm bệnh ung thư…
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta lại phải quay trở về - thực thi hiệu quả một câu khẩu hiệu xưa, nhằm tạo dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp! Ăn sạch, uống sạch, không bia, rượu, không khói thuốc lá, nói không với những hóa chất độc hại dễ gây bệnh ung thư… đó chính là phép màu nhiệm phòng chống bệnh ung thư. Những kẻ hám lợi, tham lam, cố tình tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng, pháp luật cần phải nghiêm trị.
Cuộc chiến chống bệnh ung thư là của mọi người, mọi nhà, có trách nhiệm hàng đầu của ngành y, của các cấp chính quyền, của toàn xã hội. Đó là ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp của cộng đồng.
HẢI VÂN