Sống xanh

Thứ Sáu, 05/04/2019, 08:22 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng nào trước khi đi làm, chị Huệ cũng xách chiếc giỏ được đan bằng sợi lục bình đi chợ. Khi mua bó rau muống, quả su su, thịt heo… chị đều không dùng túi ni lông để đựng mà bỏ hẳn vào giỏ. Nhìn chị thật khác biệt so với những bà nội trợ khác. Nhưng kể từ khi làm hàng xóm với chị, hình ảnh này lại trở nên quá quen thuộc đối với tôi. Ở nhà chị Huệ, rất khó để tìm một vật dụng bằng nhựa. Cũng có rất nhiều người thắc mắc, chị Huệ giải thích, đọc báo, lên mạng thấy tác hại từ túi ni lông, rác thải nhựa chị rất lo. Dù bất tiện nhưng mỗi lần đi mua đồ ăn sáng như bún, phở hoặc cháo, chị đều mang theo cái cặp lồng bằng inox hoặc chiếc tô làm bằng sứ. Thôi thì bản thân hạn chế được chừng nào hay chừng đó, dần dà trở thành thói quen. Cách làm của chị Huệ từ đó cũng được rất nhiều bạn bè, hàng xóm thực hiện theo.

Cách đây không lâu, hình ảnh các loại rau, đậu, ớt, dưa leo… được bọc lại bằng lá chuối tại siêu thị Rimping, Chiang Mai (Thái Lan) đã được cộng đồng mạng nhiều nước chia sẻ với thái độ thích thú. Tạp chí Forbes đã đăng những hình ảnh tại siêu thị Rimping và cho biết việc sử dụng lá chuối thay vì túi nhựa là một cách hay để giảm các loại đồ nhựa dùng một lần. Trên thực tế, không chỉ có siêu thị Chiang Mai mà ở một số nơi tại Ấn Độ cũng đã bắt đầu cấm sử dụng túi nilon dùng một lần rồi bỏ kể từ năm 2019. Tại đây, các hàng quán vỉa hè là nơi đi tiên phong trong việc này. Họ cho rằng việc phục vụ thức ăn nóng trên chén đĩa nhựa sẽ gây ra phản ứng hóa học, gây hại cho cơ thể.

Nguồn cảm hứng dùng lá chuối tươi gói thực phẩm từ siêu thị Rimping ở Thái Lan đã nhanh chóng lan nhanh ở các siêu thị Việt Nam. Một loạt hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Lottemart... đều bắt đầu áp dụng hình thức gói hàng thân thiện này. Tại BR-VT, ngoài hệ thống siêu thị Co.opmart thì một loạt các cửa hàng thực phẩm sạch cũng đã bắt đầu dùng lá chuối là dây lạt để gói rau củ. Theo đại diện của Cửa hàng thực phẩm sạch Vifarm, từ ngày thay lá chuối, cửa hàng đã cắt giảm được khoảng 70% lượng túi ni lông không cần thiết. Trong khi đó, khách hàng khi đến cửa hàng Vifarm.org thường mang theo túi vải, làn nhựa hoặc túi cói để đựng thực phẩm nên có thể giảm hơn 100 chiếc túi ni lông ra môi trường mỗi ngày.

Có thể nói, hình ảnh tưởng chừng như mới mẻ với rất nhiều người là rau, củ, quả được gói lá chuối lại được ông bà chúng ta sử dụng từ xa xưa. Thế hệ 6X, 7X như chúng tôi lại rất đỗi quen thuộc. Ngày đó, mỗi lần thu hoạch, rau muống được cột bằng lạt tre, xà lách cũng xâu bằng lạt tre, bó rau má được lót trên tấm lá chuối và cột bằng lạt tre… để mang ra chợ bán. Đổi lại, khi mua thực phẩm tươi sống như thịt heo, cá cũng được xâu bằng lạt tre và xách về nhà. Tuyệt nhiên không hề sử dụng túi ni lông. Thế cho nên, cách làm của một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm hiện nay được người tiêu dùng rất ủng hộ, hiện đang lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Theo thống kê, hàng năm, cả nước phát sinh 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Trong khi đó, việc xử lý chất thải lại rất hạn chế, tình hình xả rác thải ra môi trường vẫn là vấn nạn báo động đỏ. Do đó, những việc làm như chị Huệ, hay các siêu thị hiện nay đang từng bước thay đổi nhận thức về lối sống xanh bảo vệ môi trường. Không cần việc làm to tát, mà chỉ bằng những hành động cụ thể như: thu gom và phân loại rác vào đúng chỗ, tắt một thiết bị điện, hạn chế sử dụng túi ni lông, không dùng ống hút nhựa và đồ nhựa dùng 1 lần… cũng là cách làm để bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải. Bất cứ ai và lúc nào cũng có thể bắt đầu sống xanh, từ những việc cụ thể bé nhỏ ấy.

PHƯƠNG THẢO

;
.