Ô nhiễm tiếng ồn

Thứ Hai, 08/04/2019, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà tôi ở chung cư, nơi tập trung dân cư đông đúc, đủ mọi thành phần, nghề nghiệp. Những ngày làm việc thì không sao nhưng hễ cuối tuần là hầu như phải chịu trận bởi tiếng ồn, bất kể giờ giấc. Tuần nào cũng có nhà mở tiệc, họp mặt gia đình, bạn bè, xen lẫn tiếng dzô… dzô… là tiếng tranh luận ồn ào. Các buổi tiệc thường được kết thúc bằng tiết mục hát karaoke. Mà đâu phải ai cũng hát hay và đâu phải dàn âm thanh nào cũng tốt nên nhiều lúc “nghe như đấm vào tai”. Góp ý sợ họ mất vui, lại sẵn hơi men, dễ gây mất tình hàng xóm nên không ai dám lên tiếng. 

Hơn nữa, thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ xô xát, thậm chí án mạng liên quan đến chuyện góp ý vì hàng xóm gây ồn ào khi hát karaoke. Vậy là nhà nào cũng phải cửa đóng then cài, sao cho thứ âm thanh hỗn tạp đó càng ít lọt vô nhà càng tốt.

Ô nhiễm tiếng ồn còn diễn ra trên đường phố. Nhiều người mang theo loa di động đến các hàng quán vừa hát vừa mời chào khách mua kẹo. Tại các khu du lịch, bãi tắm, nơi công cộng, nhiều người vừa tụ tập, vừa hát karaoke bằng chiếc loa di động kiểu này. Thành ra, ngay cả lúc nghỉ ngơi, thư giãn, nhiều người vẫn bị làm phiền bởi những tiếng ồn không đáng có. Chưa hết, các cửa hàng kinh doanh cũng đua nhau mở loa hết công suất để quảng cáo, gây sự chú ý nhằm thu hút khách hàng. Nhiều người lái ô tô bấm còi hơi inh ỏi trong nội thành hay mấy chàng thanh niên mới lớn nẹt pô xe máy khiến người đi đường giật mình hốt hoảng. Đó là chưa kể, thỉnh thoảng có đoàn xiếc hay một ca sĩ nào đó về địa phương biểu diễn, họ thường thuê ô tô mở loa công suất lớn quảng cáo ra rả trên khắp phố phường, bất kể giờ nghỉ ngơi của người dân. Những lời quảng cáo với âm thanh lớn, gây chói tai cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày và kéo dài cả chục ngày, gây cảm giác ức chế.

Thế nhưng, việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn này rất khó và trên thực tế hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý. Một cán bộ Phòng VH-TT TP. Vũng Tàu cho biết, tiếng ồn thuộc lĩnh vực quản lý của ngành môi trường. Muốn biết cá nhân/đơn vị nào gây tiếng ồn vượt chuẩn quy định hay không, phải có đơn vị đo độ ồn. Với những người điều khiển ô tô vừa đi vừa mở loa quảng cáo gây ồn ào thì phải có lực lượng CSGT dừng xe để kiểm tra, hỗ trợ cùng lực lượng quản lý văn hóa. Tuy nhiên, nếu họ không mắc lỗi gì thì cũng đành “bó tay”. Còn với những hành vi gây tiếng ồn khác như bấm còi hơi, nẹt pô thường chỉ diễn ra trong tích tắc nên cơ quan chức năng cũng rất khó kịp thu thập bằng chứng để xử lý.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, trước hết phải tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Cơ quan chức năng, tổ dân phố, ban quản lý các chung cư cần tuyên truyền, vận động người dân xây dựng lối sống văn minh, trách nhiệm vì cộng đồng; không gây ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung của cộng đồng. Khi cấp phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh, cơ quan cấp phép cần yêu cầu họ cam kết không gây tiếng ồn vượt mức cho phép. Các cơ quan chức năng cần huy động lực lượng phối hợp xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn để răn đe. Hơn nữa, những việc này cần phải được làm thường xuyên chứ không nên làm theo phong trào, theo các đợt ra quân rồi thôi.

Cũng như các loại ô nhiễm môi trường khác, ô nhiễm tiếng ồn làm giảm chất lượng sống của người dân, là vấn đề cần phải giải quyết nhằm hướng đến xây dựng lối sống văn minh. Và chỉ khi hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn được quan tâm giải quyết như những hành vi gây ô nhiễm môi trường khác, việc xử lý mới triệt để và người dân đỡ bị tra tấn bởi tiếng ồn.  

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.