Nhức nhối nạn bắt nạt học đường!

Thứ Ba, 02/04/2019, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy ngày qua, dư luận xã hội hết sức phẫn nộ với vụ một HS ở Hưng Yên bị đánh, lột đồ rồi quay clip và phát tán lên mạng. Không ai dám tin những nữ sinh lớp 9 có hiểu biết nhất định về lối sống và pháp luật lại có thể thay nhau giật tóc, đánh, đá, đạp, tát bạn nữ cùng lớp một cách hung hãn như thế. Tính chất dã man vượt xa trí tưởng tượng của nhiều người.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, không chỉ đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan tại trường THCS Phù Ủng, dư luận còn đòi hỏi ngành giáo dục có biện pháp ngăn ngừa bạo lực học đường, thực hiện nghiêm kỷ cương, nề nếp trường học.

Hiện tượng HS bắt nạt nhau diễn ra trên khắp thế giới và ở tất cả những cấp lớp khác nhau, trực tiếp và gián tiếp. Một hay một nhóm HS có hành vi bắt nạt một hay một nhóm HS khác một cách trực tiếp như trêu chọc, trấn lột tiền hoặc dụng cụ học tập, mắng nhiếc, đe dọa, đánh đập; Hoặc gián tiếp bằng cách tung tin đồn để nói xấu, tẩy chay để cô lập... Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Theo kết quả khảo sát về tình trạng bắt nạt học đường của Tổ chức Plan, 40% HS được hỏi cho biết đã từng bị bắt nạt ở trường học với các hình thức mắng chửi, đe dọa, đặt điều, sỉ nhục, bắt phạt...v.v…

Người lớn - cả thầy cô lẫn phụ huynh, có khi không hay biết, có khi xem đó như là chuyện tự nhiên của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết (!) mà không biết rằng những hành vi bắt nạt nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra những tổn thương thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân. Các em bị bắt nạt rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, nhìn đâu cũng thấy đe dọa, nguy hiểm rình rập, không có ai yêu thương…, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã ở tuổi trưởng thành. Vấn nạn bắt nạt kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập chung vì HS không cảm nhận được sự an toàn ngay trong chính ngôi trường của mình.

Trừng phạt không phải là một biện pháp hiệu quả, vì nếu nhà trường phạt lầm nạn nhân khi các em tự vệ - nghĩa là cùng dán nhãn “gây rối trật tự” cho tất cả các em trong cuộc, thì vô tình chúng ta củng cố cảm giác đơn độc và không được bảo vệ ở các em. Còn nếu chúng ta kỷ luật và buộc đuổi học các em có hành vi bắt nạt thì không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà lại vô tình đùn đẩy vấn đề cho người khác - như gia đình, khu phố nơi các em sinh sống, hậu quả có khi tệ hại hơn bởi một khi rời khỏi sự giáo dục và giám sát của nhà trường, rất có thể các em gia nhập hoặc thành lập những băng nhóm gây rối xã hội.

Thay vì sử dụng hình phạt, nhà trường nên trang bị cho HS những giá trị sống và kỹ năng sống, hiểu về giá trị của bản thân để ít nhất các em biết cách kết bạn để không đơn độc lẻ loi và biết cách đối phó với những kẻ bắt nạt. Còn những em hay bắt nạt người khác cũng cần được hỗ trợ và hướng dẫn để các em hiểu rằng giận dữ và bạo lực là không đúng và không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, đồng thời học được cách kiểm soát sự giận dữ và ứng xử thích hợp với hoàn cảnh. Và một trong những biện pháp tốt nhất đó chính là xây dựng tình bạn tốt đẹp. Ngược lại, nếu gây ra bạo lực thì sẽ bị mọi người xa lánh, ghét bỏ, không được cộng đồng tôn trọng.

Bắt nạt học đường ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của các em HS cả về học tập lẫn xã hội, vì vậy muốn giải quyết tốt vấn nạn này ngành giáo dục cần phải có một chương trình hành động, không chỉ tập trung vào mỗi kẻ bắt nạt và nạn nhân mà phải toàn diện, bao gồm tất cả những cá nhân và tổ chức liên quan như các thầy, cô giáo, phụ huynh, Đoàn, Đội… trong những chính sách hay quy định cụ thể về hành vi bắt nạt, tập huấn kỹ năng cho thầy cô và HS, và đặc biệt cần ít nhất một nhân viên phụ trách vấn đề xã hội học đường.

Một ngôi trường có môi trường học tập thân thiện, an toàn là khi ngôi trường đó có những chương trình hoạt động xã hội lôi cuốn để các em giải tỏa năng lượng hoặc chứng tỏ giá trị của mình, có quan hệ thầy trò gần gũi để các em dễ tỏ bày, hoặc có nhân viên xã hội học đường để lắng nghe các em. Xây dựng có hiệu quả chương trình trường học thân thiện HS tích cực, phát huy được tính độc lập, sáng tạo và sự năng động, tự tin của HS tin chắc tình trạng bắt nạt học đường sẽ giảm đi đáng kể.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.