Từ ngày 16 đến 21.4, cả nước tổ chức nhiều hoạt động chào mừng “Ngày sách Việt Nam”. Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, hầu hết các địa phương đã tổ chức “Ngày sách Việt Nam”, với chuỗi hoạt động sôi nổi, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia của gần 30 nhà xuất bản uy tín, hơn 1 triệu lượt độc giả tham gia hội thảo, tọa đàm, mua sách, kể chuyện “Trang sách hay”, giao lưu tác giả với công chúng. Doanh thu bán sách tại các Hội sách ở nhiều địa phương tăng gấp 3 đến 5 lần. Hội sách tại TP.HCM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, TP. Vinh, Hà Nội, Hải Phòng… thu hút hàng vạn người yêu sách tham gia.
Tại công viên Quang Trung, TP. Vũng Tàu, nơi vẫn tổ chức hoạt động “Đường Sách”, UBND TP. Vũng Tàu, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với các nhà xuất bản Trẻ, Tổng hợp, Văn hóa - Văn nghệ, Phụ nữ, nhà sách Hoàng Cương… mở cửa quầy sách từ sáng sớm đến 22 giờ, bổ sung nhiều sách mới; tuyên truyền, quảng bá ấn phẩm mới. Hội Xuất bản tổ chức tọa đàm về sách, phương pháp chọn sách, đọc sách, nói chuyện giới tính - chống xâm hại tình dục dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, có sự tham gia của các bậc cha mẹ …
Mở đầu “Ngày sách Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời phỏng vấn báo chí, nêu rõ: Đọc sách là yêu nước, sách là tri thức, sách là cuộc sống - nói như học gỉa Nguyễn Hiến Lê “trong sách chi chi cũng có”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dù công việc rất bận rộn, ngày nào ông cũng đọc sách; tuần nào cũng đọc hết một cuốn sách. Ông kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức già cũng như trẻ “Hãy đọc sách mỗi ngày, đam mê sách, đọc là để học”!.
Đọc sách không chỉ giúp chúng ta bồi bổ, mở rộng kiến thức mà còn truyền cảm hứng, tạo động lực để hành động - biết sống tử tế hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, văn hóa đọc Việt Nam đang có nhiều bất cập, đáng được quan tâm. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, 10 năm qua Việt Nam chưa hoàn thành chỉ tiêu 6 đầu sách/người/năm; việc tiếp cận thư viện của người dân còn thấp, chỉ 565.133 người/90 triệu dân. 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, bình quân 4 đầu sách/người. Trong số này, số lượng sách giáo khoa, giáo trình đã chiếm tới 80 %. Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho biết, có 26% người Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% số người thi thoảng có đọc sách qua loa. Đủ thấy, văn hóa đọc ở nước ta thật đáng báo động. Tổng biên tập một tờ nhật báo ở thủ đô Hà Nội quả quyết, cơ quan báo chí mà ông đứng đầu có đến 2/3 số phóng viên không đọc sách; ngay cả những cuốn sách do chính ông viết, nội dung rất đáng đọc, ông mang tặng mọi người, nhưng quá nửa số người được ông tặng sách chưa một lần mở ra xem, để biết vị Tổng biên tập đáng kính đã viết gì trong đó. Đó là sự thật, nói lên nhiều điều.
Tác giả Nguyễn Minh Hải làm việc tại Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM đã viết hẳn một cuốn sách với tựa đề “Sách trong cuộc đời” (Nhà xb Văn hóa - Văn nghệ), với nhiều câu chuyện cảm động về niềm đam mê đọc sách, bồi bổ kiến thức từ sách, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng “yêu sách - đọc sách - làm theo sách”. Đồng thời, tác giả cũng đã nêu nhiều chuyên bi hài - lười biếng đọc sách của không ít người thời công nghệ 4.0. Đã đến lúc cần xem xét một cách nghiêm túc việc gieo mầm đọc sách, tạo thói quen - bao gồm cả sự bắt buộc đọc sách từ nhà trường, từ trong mỗi gia đình, xây dựng lòng hiếu tri. Bác học Lê Quý Đôn nói: “Phi trí bất hưng”, không có tri thức, kiến thức, trí thức thì đất nước không thể hưng thịnh được.
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, từ năm 2014, Chính phủ chính thức lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong nhân dân. Rèn luyện ý thức tự giác đọc sách mỗi ngày cho mình, cho con - đọc sách với con trẻ là chuyện của mỗi chúng ta, chẳng ai làm thay được. Hãy bỏ thói quen của ai đó mấy lâu nay cứ dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh xem mạng xã hội, thay vào đó là đọc sách. Thực hiện lời kêu gọi và nhắn nhủ “Hãy đọc sách mỗi ngày” vào lúc này, có ý nghĩa biết nhường nào.
HẢI VÂN