Ứng phó với rác thải

Chủ Nhật, 17/03/2019, 16:41 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà tôi ở chung cư. Mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt bao gồm chai lọ, túi ni lông, rác thải từ các loại thực phẩm chế biến… ước chừng 3-4kg. Đó chỉ là rác thải sinh hoạt cho gia đình chỉ có 3 người! Nếu làm một phép tính sơ sơ, chung cư có gần 200 hộ gia đình đang sinh sống, mỗi ngày lượng rác thải ra cũng gần cả tấn. Ở đó, bao gồm cả chai lọ thủy tinh, túi ni lông, ống nhựa, quần áo cũ, giấy vụn…, đều được đổ xuống các họng rác ngay lối thoát hiểm của mỗi tầng. Hàng ngày, mỗi lần xe chở rác đến vận chuyển rác thải đi xử lý, mùi hôi bốc lên nồng nặc, luôn là nỗi ám ảnh của cư dân nơi đây.

Nhưng “khủng hoảng” rác thải không chỉ trong phạm vi nhỏ là chung cư nơi chúng tôi đang ở. Rác đang là bài toán “hóc búa” của BR-VT nói riêng và cả nước nói chung khi thời gian qua vẫn loay hoay với phương pháp xử lý thích hợp. Mới đây, tỉnh BR-VT cũng đang tính toán đến việc vận chuyển hơn 70 ngàn tấn rác tồn đọng tại huyện Côn Đảo về đất liền xử lý. Tất nhiên, để làm được việc này sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí, nhưng là việc làm cấp bách vì với lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khoảng 15 tấn, cộng với lượng rác tồn đọng hơn 20 năm qua đang làm cho Côn Đảo quá tải về rác thải.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở TN-MT, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 760 tấn chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải sinh hoạt). Hiện lượng rác thải này được xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina (TX. Phú Mỹ). Dự báo của Viện Quy hoạch môi trường và hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng), từ năm 2018 lượng rác sinh hoạt của BR-VT sẽ tăng lên 10-15%/năm; và đến năm 2025, lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh có khả năng lên đến 1.590 tấn/ngày (tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay). Cũng như các địa phương khác trên cả nước, BR-VT xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ bằng phương pháp duy nhất là chôn lấp, đây là giải pháp được coi là ít tốn kém và dễ thực hiện. Tuy nhiên, với lượng rác thải tăng lên theo cấp số nhân, còn đất đai ngày càng thu hẹp thì phương pháp chôn rác hoàn toàn không hề rẻ. Đó là chưa kể hiện nay, ngay chính các bãi xử lý rác thải đang gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống khá nghiêm trọng.

Theo một nghiên cứu, một túi ni lông mất hơn 100 năm để phân hủy hoàn toàn, một chai nhựa cần gần 500 năm và một chai thủy tinh sẽ cần hơn 4.000 năm để phân hủy. Tuy nhiên, nếu những chai nhựa và thủy tinh được tái chế, chúng ta đã góp phần tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng sản xuất những sản phẩm mới, hạn chế ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như tại Thụy Điển, 47% rác thải được tái chế, 52% dùng để sản xuất nhiệt và điện, chỉ còn 1% được đem đi chôn lấp. Rác thải đã cung ứng khoảng 50% nhu cầu điện năng cho quốc gia. Với đất nước này, rác thực sự là nguồn tài nguyên chứ không phải là nỗi ám ảnh đáng sợ. Còn tại Đức, năm 1950 có khoảng 50.000 bãi chôn lấp rác, đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 300 và tất cả các bãi chôn lấp đều không chấp nhận rác chưa qua phân loại. Chính phủ Đức đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xóa bỏ tất cả các bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng. Theo ước tính, việc tái chế rác và biến rác thành năng lượng sẽ giúp Đức tiết kiệm 3,7 tỷ euro mỗi năm. Các hệ thống xử lý rác thải đã giúp tiết kiệm 20% chi phí nhập khẩu kim loại và 3% chi phí nhập khẩu năng lượng. Trong khi đó, Singapore lại nổi tiếng với hệ thống xử lý rác thải hiệu quả và là một quốc gia sạch nhất châu Á. Từ năm 1979, chính quyền Singapore xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên trong bối cảnh sắp hết chỗ đổ rác thải. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng hệ thống biến rác thành năng lượng sạch thông qua lò đốt khép kín giúp xử lý 90% lượng rác xả ra mỗi năm. Và tất cả các quốc gia kể trên đều áp dụng phương pháp phân loại rác tại nguồn hiệu quả!

BR-VT đã triển khai thí điểm tại phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa về phân loại rác tại nguồn, nhưng dự án này đã thất bại. Và nguyên nhân vẫn là “cái vòng luẩn quẩn” đổ lỗi cho nhau khi người dân chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác thải, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì không thể tìm ra một giải pháp khả thi.

Đã đến lúc, cần có một giải pháp đồng bộ, quyết liệt và cấp bách hơn trong việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải. Điều này hoàn toàn khả thi nếu như người dân được hướng dẫn kỹ lưỡng thông tin để thay đổi nhận thức, vận dụng triệt để các phương pháp phân loại rác tại nguồn; Có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút DN đầu tư sản xuất các mặt hàng từ tái chế rác thải; Có chế tài đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường; Đầu tư công nghệ xử lý rác tiên tiến mà các nước đang áp dụng hiện nay…

NGÔ GIA

;
.