Cũng như nhiều gia đình khác, anh Hai tôi làm ruộng ở quê. Đất canh tác ít, năm 2016, anh quyết định đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo với quy mô nhỏ nhằm phát triển kinh tế. Thời điểm đó, thịt heo được giá, lợi nhuận tốt nên phong trào nuôi heo nhỏ lẻ phát triển mạnh ở quê tôi. Nhiều người không vốn, không đất cũng cố gắng vay vốn, thuê đất để xây chuồng nuôi heo. Nhưng khoảng từ cuối năm 2016, giá thịt heo lao dốc và kéo dài qua cả năm 2017 khiến anh tôi cũng như hàng triệu hộ chăn nuôi trên cả nước lao đao. Nhiều hộ thua lỗ đến cụt vốn, nợ nần, phải treo chuồng, đi làm thợ hồ, công nhân để trả nợ.
Vượt qua khó khăn, giá thịt heo dần nhích lên trong khoảng 1 năm qua. Người chăn nuôi heo dần có lãi trở lại, gỡ gạc được phần nào khoản thua lỗ trước đó. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Từ đầu tháng 2 đến nay, họ lại đối diện khó khăn mới, có sức tàn phá lớn hơn: bệnh dịch tả heo châu Phi. Quê tôi là một trong những địa phương có dịch nên mấy ngày qua, anh tôi đứng ngồi không yên. Gọi điện về, giọng anh đầy lo lắng khi trong chuồng vẫn còn hơn 50 con heo các cỡ, trong đó có mấy đàn chuẩn bị xuất chuồng. “Giá heo hơi đang giảm, hiện còn chưa đến 40 ngàn đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi chỉ hòa vốn nhưng điều đáng ngại là dịch tả heo châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát. Nếu đợt dịch này không sớm chấm dứt, anh có thể phải treo chuồng em ạ”, giọng anh buồn buồn.
Nỗi ám ảnh thua lỗ từ 2 năm trước đang trở lại với hàng triệu hộ chăn nuôi heo trên cả nước. Tình hình dịch bệnh càng đáng lo khi một số địa phương phía Bắc đã xảy ra hiện tượng người nuôi bán đổ, bán tháo heo nhiễm bệnh hoặc vứt bỏ heo chết ra môi trường. Các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo về tình trạng vận chuyển heo từ các tỉnh miền Bắc vào tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam một cách bất thường. Việc làm này càng khiến cho dịch bệnh có nguy cơ lây lan, bùng phát ra phạm vi cả nước. Khi đó, thiệt hại cho ngành chăn nuôi nước ta sẽ rất lớn.
Trước nguy cơ dịch lây lan, cơ quan chức năng tỉnh BR-VT nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, cùng người chăn nuôi heo đã chủ động triển khai phương án, kế hoạch phòng chống dịch. Trong hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi hôm 4-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “chống dịch phải như chống giặc”, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp khống chế dịch. Thủ tướng đã quyết định mức hỗ trợ đối với heo con, heo thịt bị dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy từ 80% giá thị trường; với heo nái và heo đực đang sinh sản, mức hỗ trợ từ 1,5-1,8 lần so với heo thịt để người dân không bán tống, bán tháo heo bệnh.
Có thể nói, quyết định của người đứng đầu Chính phủ là rất kịp thời, giúp người chăn nuôi yên tâm, tích cực hợp tác với các cơ quan nhà nước trong công tác chống dịch, không để dịch lây lan. Vai trò quản lý của nhà nước đã và đang được phát huy trong công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Nhưng về lâu dài, câu chuyện tìm đầu ra cho thịt heo, đối phó với bệnh dịch trên đàn heo hay đầu ra cho nông sản (hồ tiêu, điều, chuối, dưa hấu…) là bài toán còn nan giải. Bao năm qua, người nông dân vẫn loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn: ồ ạt trồng khi nông sản được giá, ồ ạt chặt bỏ khi rớt giá hay đổ xô vào chăn nuôi, dẫn đến cung vượt cầu, thua lỗ.
Vì vậy, về lâu dài, các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch các vùng chăn nuôi, trồng trọt và kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép, hướng dẫn cho các cơ sở, hộ nông dân, không để chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch; đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Về phần mình, người nông dân cần tìm hiểu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tuân thủ các quy định trong quá trình sản xuất, chăn nuôi để cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm. Việc này còn giúp nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa và xa hơn nữa là phòng, tránh dịch bệnh. Có như vậy, hoạt động chăn nuôi, trồng trọt mới có điều kiện phát triển bền vững.
NGUYỄN ĐỨC