Cần một cú hích…
Báo Bà Rịa - Vũng Tàu vừa mới có loạt bài “Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao”, nói về những “nút thắt” trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên địa bàn tỉnh. Bài vừa đăng, chủ một DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gọi điện thoại cho tôi chia sẻ, thực ra lâu nay điều kiện “cần” thì đã có rồi. Nghĩa là tỉnh đã có chủ trương, đã quy hoạch quỹ đất để hình thành vùng NNCNC; đã ban hành tiêu chí DN thuộc lĩnh vực NNCNC; đã làm việc với các ngân hàng để bàn các giải pháp cho DN đầu tư vào lĩnh vực NNCNC tiếp cận vốn… Nhưng còn điều kiện “đủ” để cho DN thuận lợi tiếp cận các nguồn lực nói trên trong đầu tư vào lĩnh vực NNCNC hiện vẫn còn thiếu rất nhiều như bài báo đã đăng. Rồi anh kể, Công ty vừa từ chối một đơn hàng trị giá hàng triệu USD xuất khẩu hồ tiêu đi Nhật Bản vì không đủ sản lượng.
Hỏi anh, sao lại không đủ sản lượng khi BR-VT gần như được xem là “thủ phủ” trồng hồ tiêu của khu vực Đông Nam bộ. Hơn nữa, hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch, giá rớt thảm khi không có nơi tiêu thụ, lượng tồn kho trong nông dân còn cả hàng chục ngàn tấn? Anh cười, đúng là như vậy, nhưng phần lớn hồ tiêu hiện nay không đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hồ tiêu là sản phẩm gia vị, nếu chẳng may trong sản phẩm có chứa dư lượng kháng sinh, hóa chất, thuốc trừ sâu hay kim loại nặng… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện nay nông dân vẫn chưa tuân thủ quy trình trồng hồ tiêu sạch. Do vậy, phần lớn các nước nhập khẩu đều quy định và đưa ra các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về vấn đề này. Đối với DN phải đầu tư nhà máy xử lý chế biến hồ tiêu sạch đạt chuẩn quốc tế về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 22000, ISO 9001:2008... Để đầu tư dây chuyền và liên kết với nông dân trong sản xuất, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, DN cần có hàng chục tỷ đồng. Muốn vay ngân hàng phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản bảo đảm là đất không đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay. Tài sản trên đất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị… không được coi là tài sản bảo đảm để thế chấp vay vốn. Trong khi đó, cơ hội để có những đơn hàng lớn xuất khẩu nước ngoài không có nhiều. Những rào cản này khiến cho các DN tâm huyết với NNCNC dễ nản lòng.
Sản xuất NNCNC là nền tảng đáp ứng đòi hỏi mới của người tiêu dùng, đó là sản phẩm an toàn. Mặt khác đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và nâng cao tính cạnh tranh khi các hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị có hiệu lực. NNCNC còn là giải pháp để sản xuất nông nghiệp có thể thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Trước những yêu cầu này, đòi hỏi Nhà nước cần tạo “cú hích” quyết liệt, bài bản và hiệu quả mạnh mẽ hơn để thúc đẩy NNCNC phát triển. Đó không chỉ là giải bài toán về vốn mà còn cả về chính sách thúc đẩy DN, nông dân có đủ nguồn lực để đầu tư sản xuất NNCNC. Ở đó còn là xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước - Doanh nghiệp - Nông dân - Nhà khoa học. Chỉ có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới có thể mang tính liên kết cao giữa các bên liên quan, giữa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, để nông nghiệp thực sự trở thành một trong năm mũi nhọn kinh tế như mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.
LAM GIANG