Cách đây mấy ngày, tại tỉnh Hòa Bình, 8 đứa trẻ trong độ tuổi học sinh tiểu học và THCS cùng thiệt mạng vì đuối nước khi tắm sông. Ai nghe tin cũng rụng rời chân tay và tự hỏi tại sao lại có những cái chết chùm thương tâm đến vậy? Theo một thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tại Việt Nam, hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm, cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc. Trong khi đó, trẻ em vốn hiếu động, thích chạy nhảy. Thời tiết nắng nóng nên sau khi vui chơi, nhiều em lao xuống tắm ao, hồ, sông, biển để vui đùa cho thỏa thích. Ở lứa tuổi này, các em chưa có đủ nhận thức về mối nguy hiểm chực chờ mình. Chỉ một sơ sẩy, các em đã có thể mất mạng.
Nhiều năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể đã nỗ lực kéo giảm tình trạng trẻ tử vong vì đuối nước, nhưng số lượng trẻ thiệt mạng vì nguyên nhân này vẫn còn cao. Ngành giáo dục đã thí điểm dạy bơi tại trường học. Nhiều cơ quan, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là Đoàn Thanh niên đã tổ chức các lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ trong kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, hiệu quả của các lớp dạy bơi này còn khiêm tốn. Các trường học ở nông thôn thì không có hồ bơi nên phải dùng hồ bơi di động, trong khi trường học ở khu vực đô thị thì hầu hết diện tích chật hẹp, ít trường có điều kiện xây dựng hồ bơi. Thậm chí, nhiều trường học có hồ bơi cũng không sử dụng được bởi thiết kế không phù hợp hoặc số lượng học sinh đăng ký học bơi quá ít, không đủ chi phí để duy trì. Trong khi đó, những lớp phổ cập bơi miễn phí thường chỉ được tổ chức trong mấy tháng hè với thời gian hạn chế, phần lớn mỗi lớp chỉ khoảng 15-30 buổi, chưa đủ để trẻ biết bơi thành thạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, đã đến lúc ngành giáo dục nên tính toán đến việc đưa môn bơi lội vào chương trình học chính khóa ở nhà trường. Do đặc thù, mỗi trường học, mỗi địa phương có thể tính toán cách làm riêng như: đầu tư xây dựng hồ bơi, kêu gọi xã hội hóa phổ cập bơi. Việc làm này cần phải coi là cấp bách và thực hiện quyết liệt mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, học bơi là chưa đủ, trẻ còn cần được trang bị cả các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bởi thực tế cho thấy, nhiều vụ đuối nước xảy ra ở cả trẻ biết bơi. Nguyên nhân là do trẻ có tâm lý chủ quan và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nạn chưa tốt, chưa đủ bình tĩnh…
Mùa hè nữa lại sắp đến. Trẻ được nghỉ học, đồng nghĩa với nỗi lo của phụ huynh thêm nhiều hơn vì họ vẫn phải đi làm ăn, để trẻ ở nhà không người trông coi, trong khi quanh trẻ có nhiều hiểm nguy. Thật vậy, hàng năm, số lượng trẻ tử vong vì đuối nước trong dịp hè thường cao hơn các khoảng thời gian khác trong năm.
Cần phải nhận thức rằng, phòng tránh đuối nước cho trẻ em không chỉ là việc của mỗi gia đình, của ngành giáo dục mà đòi hỏi sự chung sức của cả cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, trong đó lực lượng Đoàn Thanh niên giữ vai trò nòng cốt. Ngoài việc tổ chức các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em, phổ cập bơi miễn phí cho trẻ, Đoàn Thanh niên cùng các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tăng cường rà soát, phát hiện và có cảnh báo kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, không để xảy ra thêm những trường hợp đáng tiếc!
NGUYỄN ĐỨC