7h30 sáng, ngay trước sảnh của hội trường lớn là một dãy dài các kệ, khu vực quầy lễ tân được bố trí chính giữa. Rất đông đại biểu, khách mời tập trung ở khu vực này và ai cũng cầm trên tay một vài sản phẩm được đóng gói bắt mắt, sang trọng. Ở ngay sát góc của quầy lễ tân là một máy pha cà phê để ai cũng có thể được uống thử nếu muốn. Cà phê nguyên hạt, nguyên chất được rang xay và pha tại chỗ, tỏa hương thơm nồng, dễ chịu. Hồ tiêu được đóng trong những lọ nhỏ, trong suốt, chỉ cần xoay nhẹ nắp lọ thì những hạt hồ tiêu rắn chắc được nghiền vụn, có thể rắc ngay lên món ăn.
Những gói, hộp hồ tiêu, cà phê, điều, hạt mắc ca, tinh bột nghệ… của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông, Công ty TNHH MTV nông sản Hà Vân), HTX Nông ngiệp Hữu cơ Đắk Nông… được xếp thẳng thớm trên kệ cứ thưa thớt dần, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đã gần như không còn. Ai cũng muốn mua về để làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp, người thân những sản phẩm của địa phương nơi mình đến, được “định vị” bởi thương hiệu, địa chỉ cơ sở sản xuất.
Đó là những sản phẩm nông nghiệp của Đăk Nông được các HTX nông nghiệp trên địa bàn trưng bày để giới thiệu tại Hội thảo chuyên đề về nông nghiệp với sự góp mặt của khoảng 300 đại biểu đại diện các cơ quan báo chí khắp 3 miền của Tổ quốc. Mục đích của các doanh nghiệp, HTX là thông qua các đại biểu, khách mời sẽ quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Những phần quà nho nhỏ có xuất xứ từ “Đăk Nông” chắc chắn sẽ được trân quý bởi người được tặng không chỉ ở giá trị sử dụng mà còn là “của một đồng, công một nén”, do người tặng đưa về. Nếu sản phẩm ấy hấp dẫn, ngon, giá cả phải chăng sẽ tiếp tục được người sử dụng tìm mua, bằng nhiều hình thức, kể cả đặt hàng trực tiếp thông qua số điện thoại, địa chỉ, email… được in rất rõ ràng trên bao bì sản phẩm.
Cách làm trên không có gì là mới, nhưng qua đó thấy được tầm quan trọng của việc “gắn thương hiệu” cho các sản phẩm được coi là đặc sản của địa phương. Không chỉ phục vụ du khách, việc gắn thương hiệu còn giúp sản phẩm vươn xa, thông qua những gói quà đẹp đẽ, bắt mắt lại ngon miệng do khách đem về để biếu, tặng người thân, bạn bè mình.
Có lần được tham gia một hội thảo ở một tỉnh khu vực phía Bắc, tôi cũng đã được tặng một vài đặc sản nông nghiệp địa phương. Tôi đã biếu mẹ tôi món quà ấy và về sau này, mẹ tôi đã thường xuyên mua sản phẩm ấy thông qua các thông tin liên hệ đặt hàng in sẵn ở bao bì sản phẩm để dùng. Mẹ tôi còn giới thiệu cho bạn bè mình sử dụng.
Sản phẩm đặc sản nông nghiệp ở địa phương không phải là hiếm và đôi khi có sự trùng lắp giữa các địa phương, thế nhưng, nhờ cách xây dựng thương hiệu mà khách hàng có thể chỉ biết đến sản phẩm của địa phương này mà không hề biết đến sản phẩm tương tự của địa phương khác; mặc dù, so về chất lượng, chưa chắc đã hơn thua nhau.
Đặc sản của địa phương sẽ mất đi cơ hội quảng bá ở các hội chợ, hội thảo nếu không có thương hiệu, đương nhiên là vậy bởi đó là quy định. Ngay cả những sản phẩm đặc sản đơn giản, mang tính truyền thống và rất bình dân cũng buộc phải có yêu cầu đó. Đơn cử như với Bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên), thậm chí còn xuất khẩu được nhờ vào “định danh” bằng thương hiệu. Và hễ nhắc đến bánh chưng, đây là cái tên nổi tiếng, nhiều du khách đến Thái Nguyên, khi trở về cố gắng mua vài cặp làm quà, cứ vậy, Bánh chưng Bờ Đậu lại càng lan xa.
Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, các loại đặc sản nông nghiệp địa phương cũng không thua kém các tỉnh, thành bạn. Nhiều sản phẩm đã được gắn thương hiệu và nổi tiếng khắp xa gần như Rượu Hòa Long, Nhãn xuồng cơm vàng, Ca cao Châu Đức,… Những sản phẩm gắn với người nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã vươn xa, được khách du lịch tìm mua. Tuy nhiên, so với tiềm năng của tỉnh thì chưa nhiều, trong đó có các sản phẩm khá phổ biến và khá nổi tiếng là hồ tiêu, điều của các địa phương trong tỉnh. Trên thực tế, những sản phẩm này đã được tiêu thụ trên khắp cả nước, thậm chí là xuất khẩu, nhưng phải dựa vào thương lái thu mua mỗi mùa vụ và gắn nhãn mác khác, không “định danh” Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để các đặc sản của bà con nông dân vươn xa, rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, thành lập hợp tác xã, kết nối với các doanh nghiệp, và thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu; hỗ trợ bà con tận dụng mọi cơ hội nhằm quảng bá nông sản, kể cả tham dự các hội chợ, hội thảo để giới thiệu sản phẩm. Có thương hiệu, có chiến lược quảng bá, sản phẩm của người nông dân sẽ có cơ hội vươn xa hơn, với lợi nhuận thu được cao và ổn định hơn…
THẢO LINH