Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, hàng loạt DN trong nước đã chịu cảnh “đói” nguyên liệu, công nhân mất việc… trong khi hàng ngàn container nhập khẩu hàng phế liệu là nguyên liệu để phục vụ sản xuất bị “giam” tại các cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), Bình Dương, Cái Mép (BR-VT), Đà Nẵng, Hải Phòng... Nguyên nhân là do Bộ TN-MT ban hành 2 Thông tư (số 08, 09) nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu nhưng lại “vô tình” đặt ra rào cản, gây nhiều khó khăn cho DN. Chỉ riêng tại BR-VT, hàng ngàn container của 10 DN nhập khẩu phế liệu (với khối lượng nhập khẩu khoảng gần 10 triệu tấn/năm) đã nằm “chết dí” tại cảng vì vướng thủ tục trên.
Trước sự “cầu cứu” của DN, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng TN-MT thay đổi ngay phương thức kiểm tra phế liệu nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói, Thông tư 08, 09 của Bộ TN-MT đã khiến nhiều DN phải “rơi nước mắt” và cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2019, Thủ tướng đã phê bình gay gắt Bộ TN-MT ban hành Thông tư mà không đánh giá kỹ tác động, gây khó khăn, “bóp chết” DN.
Thông tư 08 quy định, với một lô hàng phế liệu nhập khẩu, 4 bên gồm chủ hàng, Hải quan, Sở TN-MT, đơn vị giám định độc lập cùng có mặt ở cảng để tháo dỡ từng container lấy hàng ra kiểm tra (bằng mắt thường). Thế nhưng, việc kết nối để cả 4 đơn vị này cùng tham gia một lúc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đặc biệt là các Sở TN-MT không đủ nhân lực để thực hiện quy định trên; trong khi tại các cảng lưu chứa hàng hoá không thể sắp xếp các container phế liệu tách bạch để kiểm tra riêng. Chính điều này khiến cho công tác làm thủ tục nhập khẩu cho các container hết sức chậm chạp, nhiều DN bị thiệt hại cả tỷ đồng/ngày.
Nhiều năm qua, các bộ ngành chức năng khi ra văn bản quy phạm pháp luật vẫn thường đặt những điều kiện ngặt nghèo như 2 Thông tư 08, 09 của Bộ TN-MT. Chỉ mấy năm nhìn lại, giật mình vì số “giấy phép con” (GP) gây khó khăn cho DN lên đến con số ngàn, Chính phủ yêu cầu phải rà soát, bãi bỏ những “giấy” này nhưng việc xóa bỏ chúng vẫn rất khó khăn. Cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) này, những ĐKKD khác lại mọc lên theo hướng thuận lợi cho cơ quan quản lý, không tính tới những khó khăn của DN. Thực trạng này cho thấy nhận thức, tư duy về quản lý nhà nước trong một bộ phận CBCC chậm đổi mới. Biểu hiện của tư duy này là muốn quản lý chặt, áp đặt, ôm đồm, nặng về “xin-cho”. Thủ tục hành chính là vấn đề gắn liền với người có thẩm quyền. Các qui định xin-cho đem phiền hà cho DN nhưng lại đem đến quyền lợi và bổng lộc cho một bộ phận CBCC. Vì vậy, việc bãi bỏ những GP không cần thiết hết sức gian nan.
Để việc rà soát, bãi bỏ GP và ĐKKD không hợp lý trở thành nếp, thay vì chỉ đạo về rà soát đợt này, đợt kia, bên cạnh yêu cầu nâng cao khả năng ra chính sách và thực thi chính sách của các bộ ngành, nên chăng Chính phủ tạo ra một bộ lọc để “lọc” các GP, ĐKKD một cách định kỳ, thường xuyên như việc ban hành các quy định mới. Bộ phận rà soát, đánh giá chính sách này phải độc lập, nằm ngoài các bộ ngành để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong một nhà nước phục vụ thì vai trò của các tổ chức dân sự phải được nâng cao. Nên trao thêm quyền cho người dân và quyền giám sát cho các hiệp hội. Đây là yếu tố then chốt để có thể giảm, ngăn chặn được các loại GP, ĐKKD vô lý đang có xu hướng bùng phát trở lại.
Chính phủ đã có quyết tâm đơn giản hóa ĐKKD và tiến hành rà soát, bãi bỏ GP không hợp lý. Tuy nhiên, khi mà các tiêu chí đặt quy định cấp phép không rõ ràng còn các thiết chế giám sát chưa đủ mạnh thì xu hướng để giảm GP vô lý vẫn chưa giảm, thậm chí còn có xu hướng tăng mạnh trở lại. DN có được “cởi trói” hay không, có thay đổi được vấn nạn GP và ĐKKD làm khó DN hay không vẫn phụ thuộc quyết tâm của Chính phủ hành động và kiến tạo trong thời gian tới.
NGUYỄN HƯNG NHƠN