Cải thiện môi trường kinh doanh để giữ đà tăng trưởng

Thứ Hai, 18/02/2019, 15:04 [GMT+7]
In bài này
.

Môi trường kinh doanh (MTKD) của nước ta trong vài năm gần đây đã có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, như: Mức thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) được đưa về mức phổ thông là 20% (20% cho DN nhỏ và vừa, 22% cho DN lớn); Thủ tục hành chính đã được cải cách quyết liệt, tiêu biểu nhất là cải cách ở lĩnh vực thuế và hải quan; Trần khống chế chi phí quảng cáo và tiếp thị của DN được bãi bỏ; Ưu đãi đầu tư đối với các dự án mở rộng đầu tư cũng như dự án đầu tư mới khu vực FDI được khôi phục; Tăng cường các dự án đầu tư, nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng…

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi quyết liệt đó, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập làm cản trở tốc độ và hiệu quả cải thiện MTKD, nhiều thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và đặc biệt là tư duy của một bộ phận lãnh đạo cơ quan quản lý chưa thay đổi, vẫn theo tư duy cũ, thói quen cũ. Công tác chỉ đạo hành chính, quy định hành chính chưa phù hợp, không chỉ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội, thời cơ làm ăn của nhiều DN. Không ít nhà đầu tư khi làm các thủ tục xin giấy phép kinh doanh, dù đã đủ hồ sơ nhưng vẫn phải chờ đợi 3-4 tháng mới được cấp phép. Đặc biệt, tư duy trong cắt giảm thủ tục hành chính và thủ tục kinh doanh chưa thống nhất, không đồng đều giữa nhiều bộ, ngành và địa phương, khiến tỷ lệ cắt giảm dù khá cao, nhưng chỉ mới tập trung ở một số lĩnh vực.

Sau những con số tăng trưởng kinh tế hết sức ấn tượng của năm 2018, giới chuyên gia chỉ ra rằng, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%, nhưng cần thực hiện một cách triệt để tái cơ cấu kinh tế, đồng thời phải cải cách thể chế và MTKD mạnh mẽ hơn nữa nhằm gia tăng đầu tư tư nhân. Thực tế cho thấy, khi nhìn vào các nhân tố tác động đến đà tăng trưởng trong thời gian tới và tính bao trùm của kết quả đạt được trong năm 2018, thì mức tăng trưởng trong năm 2018 chưa mang tính bền vững. Cụ thể, số DN đăng ký thành lập mới trong năm 2018 chỉ tăng 3,5%, trong khi số doanh DN tạm ngừng hoạt động tăng đến 49,7%; lao động trong các DN công nghiệp chỉ tăng 2,6% (năm 2017 là 5,1%). Bên cạnh đó, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong năm 2018 giảm 3 bậc và môi trường kinh doanh giảm 1 bậc so với năm 2017 (hai lĩnh vực này năm 2017 đều tăng so với năm 2016).

Mặc dù mức tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2018 là rất tích cực, nhưng chúng ta không nên quá lạc quan, mà phải luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để giữ đà và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, với quan điểm năm 2019 là năm bứt phá để về đích thành công kế hoạch 5 năm (2016-2020). Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần cải thiện mạnh mẽ MTKD để giữ đà tăng trưởng. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, cần tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập, giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; Thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Các địa phương, các đơn vị cần xác định việc cải thiện MTKD và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn hoạt động ở các cấp cơ sở.

Những thuận lợi và cơ hội mới đang tạo đà rất lớn cho kinh tế nước ta trong năm 2019. Các DN và người sản xuất, kinh doanh đặt nhiều kỳ vọng vào sự nỗ lực và sự bứt phá mạnh mẽ trong công cuộc cải cách hành chính, cải thiện MTKD của các địa phương, của các cấp, các ngành để đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn, hiệu quả hơn.

HOÀNG LÊ

 

;
.