Vài hình ảnh về tết cổ truyền đã được dựng lên ở góc sân chơi của trường mầm non Hiển Vinh (đường Huyền Trân Công Chúa, phường 8, TP.Vũng Tàu). Nếp nhà tranh vùng đồng bằng Bắc Bộ có bụi chuối hai bên, đôi câu đối chúc mừng năm mới trước cửa. Những đứa bé gái trai để tóc trái đào. Nồi bánh chưng và bếp củi đang bập bùng ngọn lửa điện tử…
Kể từ khi nhà trường dựng khung cảnh này lên, ngày nào cũng có phụ huynh và các cháu nhỏ vào đây để chụp hình. Tôi cũng chụp cho đứa cháu ngoại vài kiểu. Rồi trong lúc cháu “chơi tết” ở đó, tôi ngắm các hình ảnh và nhớ những cái tết đã xa ở quê nhà, thầm cảm ơn nhà trường đã làm một việc có ý nghĩa để các học trò nhỏ của mình hướng về tết.
Lại tự hỏi: những người lớn tuổi, đã sống trong khung cảnh tết quê thì thích thú đã đành, nhưng với trẻ con bây giờ, nhất là trẻ ở thành thị, sao không làm cho chúng xem cảnh tết với nhà phố?
Tôi nghĩ, nếu điều đó xảy ra, chắc chắn nó không lay động được tình cảm hướng về cội nguồn của người lớn vì nó không có giá trị của ký ức. Còn với trẻ con, hình ảnh nhà phố không có gì lạ và mới, không gợi ra cái gì gọi là tưởng tượng trong đầu óc dù là còn non nớt của chúng.
Vậy thì vẫn phải chọn “giải pháp” nhà tranh với cảnh quê, để khi có dịp, phụ huynh sẽ kể cho bọn trẻ ở thành phố biết ông bà, cha mẹ của các cháu đã đi ra từ những nơi như thế. Con gái tôi hồi còn học mẫu giáo có lần hỏi bố mẹ, quê là cái gì, sao các bạn được đưa về quê chơi, nhà mình bao giờ về quê? Chứng tỏ, dù chưa hiểu quê là gì, nhưng sống giữa cộng đồng thấy ai cũng nói đến quê hương, thì đứa trẻ từ trong vô thức cũng cảm thấy quê là cái gì tốt đẹp, thích thú, và muốn trở về. Cái nhà tranh với cảnh quê dựng ở góc sân kia, hoá ra mang sức mạnh biểu tượng về nguồn cội của con người, về sự cổ truyền của tết Việt.
Nhân đây, lại nghĩ về sức sống của tết trong thời buổi hiện nay - thời của công nghiệp hoá, đô thị hoá, hiện đại hoá và số hoá. Người ta vẫn nói bây giờ tết rất nhạt rồi. Không còn mong tết để được ăn ngon, mặc đẹp như thời trước. Không náo nức gói và nấu bánh chưng. Không phải quá lo chuyện bếp núc, mọi đồ ăn thức dùng đã có siêu thị cung cấp, tiện lợi và ngon. Cả nhà có thể chẳng quây quần, người mải du lịch, người bận làm ăn, hay vì đường xa, tàu xe khó đi. Nhưng dù có như thế thì dùng điện thoại để hỏi thăm nhau, có cả hình, có cả tiếng, giống như gặp mặt trực tiếp, vậy cũng là sum họp… Tết nhạt hơn cái thuở “cổ truyền” nhiều rồi, nên có người bàn nên nhập tết “ta” vào với tết “tây”, thậm chí còn tin đến lúc nào đó, tết cổ truyền sẽ không còn nữa.
Nhưng, nói như thế là họ không nghĩ rằng, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam và các Công ước của Liên Hợp quốc – tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh – đã quy định những di sản như tết cổ truyền của Việt Nam đều được bảo tồn như bảo tồn sự đa dạng của các nền văn hoá; vấn đề là ở chỗ, cách ăn tết cổ truyền sẽ thay đổi thế nào cho phù hợp hoàn cảnh mà thôi.
Trở lại góc sân trường mầm non Hiển Vinh, nơi những hình ảnh về tết quê hương được trưng bày. Lúc này, bọn trẻ chỉ biết chạy chơi và chụp ảnh với bố mẹ vì chưa hiểu gì về điều đó. Nhưng lớn lên, cảnh tết quê dựng ở sân trường thời nhỏ lại là một ký ức làm nên sợi dây dẫn dắt tâm hồn các cháu khi ấy đã trưởng thành biết cảm nghĩ đầy đủ hơn về bản thân, gia đình, về tết, về quê hương - và rộng hơn là về đất nước. Những sợi dây liên hệ tình cảm kiểu ấy có rất nhiều, tuy chúng có thể rất mỏng mảnh, bị che lấp, thậm chí vùi dập bởi hoàn cảnh, nhưng sức sống thì bất diệt, nó chảy trong máu, tồn tại như một gen di truyền, một ADN để làm nên bản sắc văn hoá của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Cảm ơn trường mầm non Hiển Vinh, cảm ơn tất cả những việc làm dù nhỏ, để lưu truyền giá trị của tết cổ truyền Việt Nam trong thời của công nghiệp hoá, đô thị hoá, hiện đại hoá và số hoá.
HẢI THANH