“Không được phát triển Côn Đảo bằng mọi giá mà phải lưu ý đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tự nhiên; không phá rừng, phá núi; tiến chậm nhưng ổn định, vững chắc”. Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh trong chuyến làm việc với lãnh đạo huyện Côn Đảo cuối tháng 12 vừa qua.
Những năm gần đây, kinh tế-xã hội Côn Đảo, đặc biệt là ngành du lịch luôn duy trì sự tăng trưởng ở mức 2 con số. Sự phát triển của du lịch đã mang lại cho
Côn Đảo diện mạo mới từ kết cấu hạ tầng đến xã hội: Hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, đời sống nhân dân được nâng lên nhờ dịch vụ du lịch.
Thế nhưng, sự tăng trưởng đó cũng đặt ra cho Côn Đảo nhiều vấn đề cần phải giải quyết để phát triển bền vững. 2 năm gần đây, trong khi lượng khách nội địa đến Côn Đảo tăng mạnh thì lượng khách quốc tế chỉ tăng nhẹ vài phần trăm, dao động quanh con số 30.000-32.000 lượt, nếu không muốn nói là gần đến ngưỡng bão hòa. Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển KDL Quốc gia Côn Đảo đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2020, Côn Đảo đón trên 180 ngàn lượt khách và năm 2030 là 300 ngàn lượt, trong đó, khách quốc tế chiếm 40%. Tuy nhiên, năm 2018, huyện Côn Đảo đã đón 286.171 lượt khách (tăng 17,31% so với năm 2017). Như vậy đến thời điểm này, tổng lượng khách đến Côn Đảo đã vượt xa quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020 và tiệm cận con số của năm 2030, nhưng chỉ tiêu khách quốc tế lại quá thấp so với quy hoạch, khi chỉ chiếm khoảng 12%/tổng lượng khách.
Sự tăng trưởng nhanh về du lịch, trong đó chủ yếu là khách nội địa đang có nguy cơ bình dân hóa du lịch Côn Đảo. Lượng khách đông đòi hỏi phải tăng cường đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch. Lượng khách đông còn gây áp lực lên khả năng cung cấp điện, nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt - những vấn đề vốn đang là khó khăn của Côn Đảo hiện nay. Ngoài ra, lượng khách đông còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hệ sinh thái tự nhiên và các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Côn Đảo.
Trước sự gia tăng mạnh mẽ lượng khách du lịch, đe dọa sự phát triển bền vững, một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp đóng cửa hoặc hạn chế lượng khách đến các điểm du lịch nổi tiếng nhằm bảo vệ di sản và giá trị tự nhiên. Chẳng hạn, năm 2016, Chính phủ Thái Lan đóng cửa đảo Similan, không đón khách du lịch trong 5 tháng, riêng đảo Koh Tachai đóng cửa vô thời hạn để tài nguyên thiên nhiên có thời gian phục hồi, do đã bị du khách tàn phá quá nặng. Hay như tại Nhật Bản, từ ngày 7-1, du khách nước ngoài và cả người dân sẽ phải trả 1.000 Yen (tương đương hơn 9 USD) tiền thuế tạm biệt trước khi rời khỏi quốc gia này. Khoản tiền thu được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cũng như thúc đẩy ngành du lịch Nhật Bản. TP. Venice (Italy) thì tuyên bố sẽ thu từ 2,5 đến 10 EUR/người của du khách ghé thăm Venice trong một ngày nhằm có kinh phí bảo tồn các di sản, cũng như hạn chế khách tham quan...
Với Côn Đảo, sự tăng trưởng nhanh của du lịch bình dân thời gian qua dù chưa đến mức quá tải như những địa điểm hay quốc gia nêu trên, nhưng rõ ràng đã tiềm tàng nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của huyện đảo. Để đạt được mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững du lịch, đã đến lúc Côn Đảo phải tính đến việc chọn lọc khách, định hướng thu hút dòng khách quốc tế, khách cao cấp chứ không thể phát triển ồ ạt, thu hút khách bằng mọi giá như hiện nay. Bởi lẽ, theo tính toán của các DN du lịch, một vị khách nước ngoài, khách cao cấp có mức chi tiêu cao gấp 5, gấp 10 lần so với một vị khách bình dân. Phục vụ ít khách, doanh thu cao, có thái độ ứng xử thân thiện với môi trường sinh thái, biết trân trọng, giữ gìn các giá trị tự nhiên và giá trị lịch sử vẫn thích hơn là đón nhiều khách nhưng doanh thu thấp, lại phải đối mặt nhiều vấn đề cần giải quyết.
Và chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trong chuyến làm việc với lãnh đạo huyện Côn Đảo cuối tháng 12 vừa qua: “Huyện Côn Đảo cần tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch tâm linh, đồng thời hướng tới đẩy mạnh dùng năng lượng sạch” là rất kịp thời, là định hướng quan trọng trong quá trình xây dựng các chính sách, mục tiêu để phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội Côn Đảo nói chung một cách bền vững.
NGUYỄN ĐỨC