Buổi trưa, đón con trai đi học về, hai cha con cùng nhau đi mua đồ. Đang vui vẻ nói chuyện trường, chuyện lớp, con trai bỗng nói gấp: “Ba, quay xe lại, cô kia làm rớt tiền, lượm trả họ đi ba”.
Theo hướng con chỉ, tôi quay xe gấp. Con xuống lượm được gần 400 ngàn đồng rồi hai cha con vội đuổi theo người làm rớt tiền. Đến con đường bao ở khu Đại An (TP. Vũng Tàu), người đánh rớt tiền dừng xe máy và bước vào một cái lán bên cạnh công trình đang xây dựng. Đó là một phụ nữ, có lẽ là phụ hồ. Chị vừa đi chợ về, còn tiền bỏ trong túi áo khoác, gặp gió nên bay ra. Nhận lại tiền, chị khá ngạc nhiên. Chào chị, hai cha con quay về, lòng thấy chút vui vui. Tôi vui vì con còn nhỏ tuổi nhưng đã ghi nhớ được lời dạy của gia đình và nhà trường về lòng trung thực, không tham của rơi, tài sản của người khác.
Như một sự trùng hợp, từ đầu tháng 1 đến nay, báo chí liên tục đăng tải nhiều tin, bài biểu dương những người tốt, không tham của rơi như vậy. Khi nhặt được tiền, họ đã tìm mọi cách để trả lại người đánh mất. Những người nhặt được tiền có thể là em học sinh nghèo, là chị buôn ve chai, chị bán hàng rong, cô nhân viên quán cơm, anh nhân viên đường sắt, anh tài xế taxi hay một chiến sĩ công an… Mỗi khi đọc một bản tin hay một bài báo nói về cử chỉ đẹp của những người nhặt được của rơi, đã tìm cách trả lại cho người đánh mất, lòng tôi luôn trào dâng niềm xúc động, cảm mến họ.
Lòng tham vốn có sẵn trong mỗi con người. Nếu vì lòng tham, những người nhặt được tiền sẽ biện hộ rằng mình đang khó khăn, cần dùng số tiền đó để trang trải nên không báo ai, cứ lẳng lặng tiêu xài thì có lẽ cũng chẳng ai biết, chẳng ai trách tội. Nhưng họ đã không làm vậy, bởi lẽ, trong họ, lòng tự trọng, lòng trung thực còn lớn hơn cả lòng tham, lòng ích kỷ. Họ đã biết nghĩ rộng hơn, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người đánh mất tiền. Có thể, chủ nhân của số tiền đó là người giàu có; cũng có thể đó là số tiền tích cóp cả đời của người đánh mất. Nhưng dù thế nào đi nữa, người mất tiền hẳn là rất xót xa, lo lắng. Và có thể, họ phải chạy vạy, vay mượn số tiền đó để giải quyết việc cấp bách, như là đi chữa bệnh hay đáo hạn ngân hàng chẳng hạn. Vì vậy, số tiền đó có thể ảnh hưởng tới cả sự an nguy của người đánh mất hoặc người thân của họ. Hãy nghe tâm sự của trung sĩ Phạm Xuân Cường, công tác tại Công an TP. Bà Rịa khi anh nhặt được số tiền hơn 50 triệu đồng và trả lại cho người đánh mất ở huyện Xuyên Mộc vào tháng 10-2017: “Số tiền lớn như vậy là tiền mồ hôi nước mắt của người ta. Tôi nghĩ, ai trong hoàn cảnh của mình cũng trả lại thôi”. Suy nghĩ và hành động đẹp của anh Cường cũng như của những người tốt kể trên thật đáng trân trọng!
Giữa một rừng thông tin tràn ngập trên báo chí, phản ánh những mặt tiêu cực của đời sống xã hội: đại án tham nhũng, tội phạm cướp giật, tai nạn giao thông, kẹt xe, công trình công cộng hư hỏng…, những bài báo ngợi ca những cử chỉ đẹp đó như ánh hào quang tỏa sáng, làm ấm lòng người. Do vậy, những hành động đẹp đó rất đáng được biểu dương, nhân rộng trong từng cơ quan, đơn vị, khu phố, địa phương để những điều tốt đẹp được lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đời sống cộng đồng. Hơn hết, những hành động đó còn chứng tỏ rằng, cái xấu, cái tiêu cực chỉ là thứ yếu, là số ít trong xã hội còn rất nhiều người tốt, việc tốt, để ta thêm tin yêu vào cuộc sống tươi đẹp này.
NGUYỄN ĐỨC