Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đón chào năm mới, cũng là dịp để nhà nhà sum họp, vui với niềm vui gặp gỡ những người thân sau một năm bươn chải mưu sinh nơi phố thị và cùng nhau trẩy hội vui Xuân, đi lễ đình, chùa và hội làng. Được biết, hàng năm, nước ta có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống, trong đó, tập trung nhiều nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, với khoảng 2.000 lễ hội lớn nhỏ, ở khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở các địa phương ngày càng mở rộng cả về quy mô và số lượng người tham dự. Đặc biệt, tại nhiều nơi, ngoài số lượng đông đảo cư dân địa phương, còn thu hút một số lượng lớn du khách thập phương, kể cả khách du lịch nước ngoài, tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong bầu không khí linh thiêng, trang trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm, không phù hợp với xu thế thời đại (như tập tục chém lợn, cướp lộc, cướp phết…) đã được chuyển đổi thành các hình thức thực hành nghi lễ. Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Lễ hội thường niên ở các địa phương đã trở thành những hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn đặc trưng vùng miền và có nhiều ý nghĩa thiết thực.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm và lo ngại trong thời gian qua, là tại các địa phương tổ chức lễ hội, các hành vi hoạt động lễ hội phản cảm, hiện tượng mê tín dị đoan, biến tướng lễ hội dưới nhiều hình thức, mang tính thương mại… vẫn còn tồn tại và có dấu hiệu gia tăng. Tại nhiều lễ hội, vẫn còn tái diễn những hành vi, hình ảnh chưa đẹp, như ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc, đốt vàng mã theo trào lưu “giàu sang” với các vật dụng sinh hoạt đời thường (nhà lầu, xe hơi…); thậm chí, có nơi còn thực hiện thêm nhiều nghi thức không có trong lễ hội truyền thống. Mặc dù, tình trạng lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm, nhưng những hiện tượng trộm cắp, nâng giá các mặt hàng phục vụ lễ hội, “chặt chém” du khách khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe… vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Ngăn ngừa, xử lý các hiện tượng, hành vi phản cảm, lợi dụng niềm tin của người dân tại các lễ hội để kiếm tiền và làm ảnh hưởng tới đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của cộng đồng, là một đòi hỏi cấp thiết của các cấp chính quyền và các ban, ngành chức năng trong mùa lễ hội 2019. Bên cạnh việc tăng cường chấn chỉnh các hành vi phản cảm, hoạt động lễ hội trái với thuần phong mỹ tục, cần triển khai kịp thời các giải pháp cụ thể và thiết thực. Theo đó, các địa phương cần làm tốt công tác phân công, phân cấp quản lý lễ hội, tăng cường kiểm tra liên ngành và thực hiện sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng (công an, y tế, lực lượng dân phòng, bảo vệ…). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân; khơi dậy giá trị nhân văn và hướng thiện của lễ hội. Tránh tình trạng trước lễ hội thì cảnh quan được trang trí hoành tráng, vui nhộn, còn sau lễ thì môi trường cây cỏ, hoa lá “bầm dập” vì bị dẫm đạp, bị ô nhiễm từ đủ loại rác thải. Thực tế cho thấy, tại các lễ hội, khi có sự vào cuộc tích cực và kiên quyết của chính quyền địa phương, thì ở đó công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao; đẩy lùi được các hiện tượng tiêu cực và phản cảm.
HOÀNG LÊ