Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Thời gian này cũng là cao điểm nhà nhà, người người lo lắng, tất bật mua sắm để có một cái Tết đủ đầy. Mua sắm Tết là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng, thế nhưng cũng có không ít người vì tâm lý “Tết mà” để rồi “vung tay quá trán”, chi tiêu quá mức cần thiết.
28 Tết năm ngoái, anh bạn tôi “alô” gọi tới nhà để khoe chậu mai vừa mới mua về. Nhìn chậu mai to tướng, khoe sắc vàng rực rỡ, tôi chưa kịp khen thì vợ bạn tôi chen vào giọng buồn buồn: “20 triệu đồng đấy anh ạ”. Nhìn sắc mặt vợ bạn, tôi liền khều bạn hỏi cho rõ sự tình.
Anh bạn tôi gãi gãi đầu: “Mất đứt 3/4 khoản tiền lương và tiền thưởng Tết đấy ông ạ. Vợ tôi cằn nhằn vì còn nhiều thứ cần phải mua sắm Tết mà tôi…”. Hóa ra cơ sự là năm ngoái anh chàng hàng xóm của bạn tôi - làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài, đồng trang lứa và cũng hay sang nhà nhau chơi - được thưởng tiền Tết rủng rỉnh nên sắm cây mai hơn 20 triệu đồng cho “vui nhà vui cửa”. Thế là “con gà tức nhau tiếng gáy”, anh bạn tôi quyết “chơi tới bến” cho “lão hàng xóm”… biết tay!
Lại một anh bạn khác, Tết năm ngoái được thưởng khá, liền ra tiệm điện máy rinh hẳn chiếc tivi Samsung 4K màn hình cong giá tầm hơn 25 triệu để về coi mấy ngày Tết cho đã mắt. Công nhận là tivi công nghệ mới coi cũng sướng, nét tới tận “chân tơ kẽ tóc”. Thế nhưng từ Tết năm ngoái đến Tết năm nay, chiếc tivi hầu như vẫn còn mới nguyên. Bởi lẽ, anh bạn tôi vốn làm lao động chân tay, sau một ngày mệt nhọc trên công trường, về đến nhà cơm nước xong là lăn ra ngủ để lấy lại sức cho một ngày làm việc mới. Còn chị vợ làm giáo viên một trường tiểu học, sau một ngày vất vả ở trường, về đến nhà lại lo cơm nước, rồi kèm cho 2 con học hành. Thế là chiếc tivi chẳng mấy khi được bật lên, đành “đắp chiếu” nằm đó.
Chưa hết, mùng 6 Tết năm ngoái, một anh bạn đồng nghiệp phải alô cho bạn bè, đồng nghiệp tới “giải cứu”. Số là trước Tết, chị vợ làm một vòng mua sắm và chiếc tủ lạnh oằn mình nào là rau củ quả, chân giò, gà vịt, cá… để phục vụ nhu cầu ăn uống cho mấy ngày Tết khi chợ chưa mở cửa hoạt động trở lại. Nhưng mấy ngày Tết nhu cầu ăn uống ít, lại thêm thay phải đi thăm họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… liên miên, nên qua Tết chiếc tủ lạnh vẫn còn đầy ăm ắp. Thế là anh bạn đồng nghiệp đành phải cầu cứu bạn bè, đồng nghiệp tới “xử lý” giúp, kẻo để lâu quá hạn, đồ ăn, thức uống phải đổ bỏ…
Những câu chuyện trên đây không phải là hiếm trong thời điểm Tết đến Xuân về. Như đã nói, mua sắm Tết là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Nhất là năm 2018 vừa qua kinh tế khởi sắc, tiền thưởng Tết theo đó cũng được nâng lên và nhu cầu mua sắm Tết cũng “xông xênh” hơn. Với tâm lý của người Việt, ai cũng muốn lo cho gia đình một cái Tết thật đầy đủ, no ấm. Nhưng điều cần thiết hơn là từ nguồn tiền thưởng Tết đó, mọi gia đình hãy cân đối, lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, mua sắm những vật dụng, thực phẩm… cần thiết cho những ngày Tết. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang triển khai rộng khắp chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa. Thiết nghĩ, cân đối chi tiêu, mua sắm Tết tiết kiệm, hợp lý cũng là một biểu hiện xây dựng nếp sống văn hóa, tiến tới xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.
MINH QUANG