Quyết định nêu rõ 5 trường hợp không tổ chức cuộc họp, trong đó có một quy định thu hút sự chú ý của dư luận: không được tổ chức cuộc họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đáng chú ý trong quyết định của Thủ tướng, ngoài việc quy trách nhiệm cho người lãnh đạo cơ sở hạn chế họp hành rình rang, tránh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu bằng cách tổ chức họp để xin ý kiến tập thể thì nay cũng sẽ không còn.
Họp là một hình thức trong quản lý nhà nước. Thật khó có thể liệt kê hết các kiểu họp với những lý do khác nhau: họp giao ban, họp tháo gỡ, họp quán triệt, họp kiểm điểm, họp sơ kết, họp tổng kết, họp định kỳ, họp đột xuất, họp phát động thi đua, họp quán triệt tinh thần nghị quyết cơ quan, họp bình bầu cuối năm… Gần đây còn rộ lên phong trào hội thảo, thực chất cũng là một hình thức họp nhưng có vẻ “khoa học” hơn. Không ít cuộc hội thảo đáng ra chỉ cần gửi email cho nhau là đủ vì các vị khách mời đến chỉ làm đúng hai động tác quen thuộc: nhận phong bì và… đọc tham luận viết sẵn. Đáng lo ngại, gần đây còn rộ lên “mốt” tổ chức hội nghị thật xa, tại những khu du lịch nổi tiếng mà nhiều đại biểu chưa đi. Mục tiêu chính của các cuộc họp, hội nghị trở thành chuyến đi du lịch, nghỉ dưỡng cho nhiều người. Chi phí cho việc đi lại của đại biểu, khách sạn, ăn uống tiệc tùng, vô cùng lãng phí ngân sách.
Họp rất cần thiết để thống nhất ý kiến và triển khai công việc cho đồng bộ. Nhiều khi vì không họp mà công việc không chuyển biến. Nhưng họp nhiều lại tạo áp lực, gây quá tải lên tất cả vị trí của bộ máy nhà nước; Không ít cuộc họp mà phần lớn những người tham dự chỉ… lướt web, chơi game là chính, gây nên sự lãng phí cả tiền bạc lẫn thời gian; những tác dụng trên của họp đã khiến nó bị lợi dụng, trở thành nỗi ngao ngán của người dân, thậm chí nhiều CBCC cũng kêu khổ vì họp.
Có vô vàn lý do dẫn đến tình trạng loạn họp: Có nhiều đầu mối, phân công công việc không rõ ràng, còn chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước; Chính sách của nhà nước cũng không rõ ràng, có thể hiểu khác nhau, phải họp để thống nhất; Hiệu lực chỉ đạo bằng văn bản thấp; Cơ quan tham mưu chưa chuẩn bị kỹ tài liệu cho cuộc họp, nội dung họp không sát với yêu cầu thực tế; Lãnh đạo bận, người được uỷ quyền chủ trì không đủ thẩm quyền nên phải họp nhiều lần; Mời thành phần dự họp không đúng...
Với Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ, rồi đây trách nhiệm của CBCC, của người đứng đầu các cơ quan sẽ được đề cao, buộc họ phải giải quyết công việc trong thẩm quyền của mình mà không phải tổ chức cuộc họp. Người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm về nội dung tất cả các quyết định do mình ban hành, thậm chí cả việc tổ chức, kiểm tra việc thực hiện nó.
Các chuyên gia hành chính khẳng định có thể giảm 1/3 các cuộc họp. Vấn đề là cần có sự điều chỉnh về kỹ thuật, hình thức tổ chức họp hành phù hợp với mục đích, bảo đảm hiệu quả cuộc họp, phải đặt ra các quy định thế nào để loại bỏ những cuộc họp vô nghĩa, cơ chế làm việc phải khác đi, mục tiêu hướng đến là một nền hành chính phục vụ; ứng dụng cách họp trực tuyến cũng là cách giảm các cuộc họp tập trung, giảm chi phí đi lại, tốn kém thời gian; Cần quy định rõ khi nào thì tổ chức họp, mục tiêu họp, cuộc họp này nhằm giải quyết vấn đề gì, vấn đề đó có cần phải họp không. Họp sẽ thay đổi cái gì, mang lại cái gì, tác động đến hoạt động hiện tại thế nào. Nội dung cuộc họp phải rõ ràng. Các cuộc họp giải quyết được sự việc thì tiến hành, còn không thì thôi. Cuối cùng, người chủ trì phải kết luận được vấn đề. Trên cơ sở đó, các bộ phận thực thi cứ thế thực hiện, không cần họp lại. Quy định rõ như thế thì người lãnh đạo mới có căn cứ quyết định nên họp hay không. Tất nhiên trong vấn đề này đòi hỏi người chủ trì cuộc họp phải bản lĩnh, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cá nhân. Nếu thực hiện nghiêm túc điều đó thì sự hài lòng của người dân sẽ cao lên, các cuộc họp vô thưởng vô phạt-căn bệnh kinh niên trong bộ máy hành chính sẽ sớm được trị dứt, “nghề họp” của một số CBCC sẽ không còn.
NGUYỄN TRIỆU HẢI