Quảng cáo phóng đại!

Thứ Tư, 26/12/2018, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa đi làm về, tôi được nhận ngay cái ôm của thằng cháu ngoại bốn tuổi, kèm theo lời nũng nịu: “Ngoại ơi, mua cho con hộp sữa M. để con uống tăng cân, mau lớn, chỉ mấy hôm là con sẽ cao vượt trội hơn anh hai nhé ngoại!”. Tôi hỏi: “Ai nói với con như vậy?”. Bé trả lời: “Con mới xem trên ti vi đó ngoại ơi!”. Thì ra, đây là đoạn quảng cáo sản phẩm sữa M. trên truyền hình.

Trong cuộc sống hiện đại, quảng cáo là một phần không thể thiếu trong chiến dịch quảng bá sản phẩm của các DN, giúp tìm kiếm khách hàng tiềm năng thông qua các kênh phương tiện truyền thông đại chúng. Các loại hình báo chí, đặc biệt là truyền hình đã trở thành kênh trung gian tương tác giữa DN và người tiêu dùng. Có quảng cáo, báo chí có thêm nguồn tài chính hoạt động. Đối với người tiêu dùng, quảng cáo là món ăn tinh thần không thể thiếu, vì ngoài việc giới thiệu tính năng sản phẩm, người xem quảng cáo như cách để giải trí. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều đoạn clip quảng cáo quá phóng đại, “nổ” đến mức làm người xem khó chịu.

Chẳng hạn như, đoạn clip quảng cáo sing-gum X, chỉ cần cho vào miệng nhai thôi đã bay lên khỏi tòa nhà. Còn cà phê V. thì cho người xem thấy khả năng “siêu nhân” bằng hình ảnh chàng trai uống cà phê này và cảm giác là bay xuyên qua mấy tòa nhà. Hay khi uống nước tăng lực N, chú cọp hung hãn đang rượt đuổi cũng phải sợ và thu nhỏ thành chú mèo. Lại có chuyện gia đình đó uống sữa S, quả dừa rớt trúng vai không sao; bé gái thì vung tay chém quả dừa đến mức nước văng tung tóe. Riêng chàng trai trong clip quảng cáo uống sữa F, giàu canxi đến mức chỉ cần đập nhẹ mặt bàn thôi đã vỡ tan tành... Đó là chưa nói một số quảng cáo về thực phẩm chức năng phóng đại tính năng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm đó.

Dù biết rằng, các đoạn clip quảng cáo chỉ là cách ẩn dụ, nhằm làm cho khán giả - người tiêu dùng thấy được công hiệu của sản phẩm đó nổi trội, giúp ích cho sinh hoạt, hay sức khỏe con người. Nhưng do người viết kịch bản quá phóng đại, thành ra người ta hay nói quảng cáo “ba xạo”, bày “chiêu trò” thu hút người tiêu dùng. Ví dụ, có chấp nhận được chăng khi áo trắng vấy bẩn “cứng đầu” nhưng chỉ cần cho vào thau nước pha bột giặt O. là trắng tinh như mới 100%? Hay bột giặt A, dám “nổ” rằng loại bỏ 100 vết bẩn cứng đầu chỉ trong một lần giặt. Nhiều người mua bột giặt quảng cáo như trên đem về thực hành (trong đó có gia đình tôi), thì không có cái chuyện “kỳ diệu” như vậy xảy ra. Trong khi đó, các bà nội trợ vò quần áo rát cả tay chỉ mong những vết bẩn lu mờ là mừng lắm rồi. Vậy, hóa ra kiểu quảng cáo khẳng định ấy là chuyện lừa dối được hợp thức hóa bằng hình ảnh hay sao?

Hiện nay, quảng cáo không những là món ăn tinh thần của công chúng, người tiêu dùng, mà còn là một loại hình văn hóa kiểu mới. Mà một khi là văn hóa thì rất dễ bị ảnh hưởng. Nhất là trẻ con, chúng rất thích xem quảng cáo và làm theo. Vì vậy, người làm quảng cáo nên hướng đến những câu chuyện tử tế, nhưng vẫn làm nổi bật tính năng của sản phẩm theo yêu cầu của các DN. Các cơ quan báo chí cũng nên cân nhắc khi tiếp nhận quảng cáo, không tiếp tay cho người bán sản phẩm chất lượng thì một nhưng được “thổi phồng” lên gấp nhiều lần. Về phía cơ quan chức năng, cần quản lý chặt chẽ các loại hình quảng cáo, tránh tình trạng tạo ra cách thể hiện văn hóa xấu trong cộng đồng.

TRẦN THÁI

;
.