Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức ngày 12-12 mới đây, những con số công bố tại hội nghị rất đáng lưu ý: có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một BLGĐ; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ.
Và theo thống kê, tại Việt Nam, BLGĐ đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm.
Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm, là nơi hình thành nhân cách và là trường học đầu tiên của mỗi cá nhân. Trong gia đình, mọi thành viên cùng yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình được thừa hưởng và sống làm việc theo pháp luật, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt hơn và phát triển toàn diện hơn. Ngược lại, nếu gia đình bất hòa sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi thành viên trong gia đình. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường cãi nhau và thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, chắc chắn rằng môi trường ấy sẽ có ảnh hưởng, để rồi khi đứa trẻ ra đời sẽ sẵn sàng “hành xử” theo kiểu côn đồ với những gì trái ý mình. Chính vì vậy, trong những nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc hướng tới một xã hội văn minh, hiện đại, công tác PCBLGĐ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được luật hóa qua Luật PCBLGĐ, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, công tác PCBLGĐ đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là công tác truyền thông và các hoạt động tại cộng đồng. 10 năm qua, các cấp, các ngành đã biên soạn và phân phối hàng triệu tờ rơi, tranh cổ động, áp phích và tài liệu tuyên truyền liên quan tới xây dựng gia đình, tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo, tập huấn về PCBLGĐ, thực hiện trợ giúp pháp lý, thăm khám và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Ước tính, đến nay có trên 90% hộ gia đình có ít nhất 1 người được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ qua các kênh thông tin khác nhau.
Từ sự nỗ lực của các cấp các ngành, số vụ vi phạm BLGĐ được phát hiện có chiều hướng giảm qua từng năm. Tuy nhiên, điều đáng buồn là số vụ BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện lại tăng cao qua từng năm, trong đó, nạn nhân chủ yếu thường là phụ nữ, trẻ em và người già - những người yếu thế trong xã hội. Trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ. Gần đây, dư luận xã hội bàng hoàng, phẫn nộ khi hàng loạt vụ án mạng xuất phát từ BLGĐ được các cơ quan chức năng phanh phui và xử lý. Không hiếm những vụ án đau lòng được đăng tải trên các phương tiện thông tin báo chí kể về những điều gây nhức nhối trong các gia đình hiện nay. Cảnh tượng chồng truy sát vợ, con giết cha mẹ, rồi cha mẹ giết con, bạo hành con cái… xảy ra thường xuyên. Tình trạng này khiến an ninh trật tự xã hội khó kiểm soát, gây tâm lý bất an cho người dân.
Từ thực tế đó, để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển bền vững, thời gian tới, công tác PCBLGĐ cần phải được chú trọng bằng nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa: Sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục người có hành vi BLGĐ; các ban, ngành, đoàn thể cần tuyên truyền sâu rộng các chính sách, chương trình hành động, Luật PCBLGĐ tới tận cơ sở nhằm kịp thời ngăn chặn những mầm mống bạo lực; lồng ghép nhiệm vụ PCBLGĐ trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những đối tượng có nguy cơ cao bị BLGĐ chưa có nghề hoặc việc làm ổn định; tăng cường công tác bình đẳng giới, chăm sóc, giáo dục trẻ em và những người yếu thế trong xã hội, từ đó giúp các đối tượng này được chăm sóc chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi BLGĐ.
MINH QUANG