“Đi bão” là từ chỉ một hiện tượng, một phong trào trình diễn xe và đua xe hàng ngang về đêm trên các tuyến phố hay các địa điểm du lịch của thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ 9X. “Bão đêm” thường tập trung ở các thành phố lớn và văn minh như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
“Đi bão” bắt nguồn từ những sự kiện lớn xảy ra trong nước như đón mừng năm mới, quốc khánh, nhất là để ăn mừng những thắng lợi lớn của đội tuyển bóng đá Việt Nam và U23 Việt Nam khi đánh bại những đối thủ mạnh, đặc biệt là ở các vòng chung kết. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng không biết “đi bão” nhưng do thấy các băng đảng bão diễu hành trong các trận chung kết bóng đá nên cũng phóng theo.
Trên đây là định nghĩa về “đi bão” của từ điển mở Wikipedia. Sở dĩ người viết đem chuyện “đi bão” ra bàn bởi thời điểm này đang diễn ra các trận đấu bán kết lượt đi AFF Cup 2018 hứa hẹn nhiều kịch tính và tiếp đó là dịp đón Noel và Tết dương lịch 2019. Rất có thể các “quái xế” sẽ lợi dụng chuyện “đi bão” (mà ban đầu mang ý nghĩa rất dễ thương là xuống đường cổ vũ) để tụ tập lạng lách, tổ chức đua xe trái phép, gây mất trật tự an toàn xã hội. Gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lợi dụng “đi bão” vào lúc này là không thừa.
Trước đây vào các dịp lễ, Tết hoặc vòng chung kết các giải bóng đá, TP. Vũng Tàu là một trong những nơi thường được các “quái xế” chọn làm địa điểm để tụ tập, tổ chức đua xe. Có thời điểm - như vào dịp lễ 2-9 năm 2015, đường phố Vũng Tàu ầm ầm tiếng gầm rú ghê rợn của những đoàn xe “đi bão”. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã ra quân vất vả, tạm giữ hàng trăm phương tiện mới ngăn chặn, xử lý được đoàn xe đua đông đảo này. Dịp lễ 2-9 năm 2017, hàng chục quái xế cũng tụ tập kín một đoạn trên Quốc lộ 51 (đoạn qua TX. Phú Mỹ), thi nhau so kè tốc độ. Hàng chục trăm xe “đi bão” đậu dọc đường đua tự phát để xem các “quái xế” tranh tài, gây nguy hiểm cho người đi đường. Hoặc như đêm 20 rạng sáng 21-1-2018, sau khi đội tuyển U23 Việt Nam thắng Iraq tại vòng chung kết U23 châu Á, hàng ngàn người, phương tiện đổ xuống đường “đi bão” mừng chiến thắng. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, phân luồng giao thông, CSGT TP. Hồ Chí Minh đã lập biên bản xử lý 156 trường hợp vi phạm và tạm giữ 90 xe các loại về các hành vi đánh võng, chạy quá tốc độ, nẹt pô, rú ga, chở quá người quy định…
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục triển khai các biện pháp phòng, chống nhưng nạn “quái xế đi bão” ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác chỉ tạm lắng một thời gian ngắn rồi lại tái diễn mỗi khi có dịp.
Cho đến nay, số “quái xế” bị xử lý hình sự về hành vi đua xe trái phép hoặc cổ vũ đua xe trái phép không nhiều. Phần lớn “quái xế” chỉ bị xử phạt hành chính các lỗi như chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang, chống hiệu lệnh CSGT. Mức phạt nhẹ đã khiến việc xử phạt chẳng có tác dụng răn đe. Các “quái xế” vẫn tiếp tục tụ tập đua xe, “đi bão” với mức độ đông đảo, liều lĩnh hơn.
Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những “điểm nóng” đua xe của hàng trăm “quái xế”. Thời gian qua, cùng với việc tăng cường tuần tra, mật phục, nhanh chóng phát hiện, giải tán và xử lý các cuộc đua xe trái phép, lực lượng chức năng còn xử lý nghiêm hàng trăm trường hợp tụ tập đua xe, gây rối đường phố.
Tất nhiên muốn chống nạn đua xe trái phép hiệu quả, toàn xã hội phải chung tay ngăn chặn. Bên cạnh việc sử dụng biện pháp “cứng”, cụ thể là việc xử phạt, chế tài của lực lượng CSGT, cần phải tiến hành các biện pháp “mềm”. Sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên của các bậc cha mẹ sẽ giúp con cái nhận thức được lỗi lầm và các hành vi “đi bão. Việc tổ chức đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố các đối tượng tham gia đua xe cần được tiếp tục duy trì. Việc kiểm điểm phải được tổ chức nghiêm túc với đông đảo đại diện chính quyền, công an phường, CSGT, phụ huynh… tạo hiệu quả răn đe, không để kẻ vi phạm đọc bản kiểm điểm qua loa lấy lệ rồi về.
NGUYỄN TRIỆU HẢI